Thầy thuốc “thủ”, bệnh nhân thiệt

Nhiều sự cố tiêm phòng thời gian qua khiến các cơ sở y tế chuyển sang e dè, bệnh nhân chắc chắn là người lĩnh hậu quả.

Hậu quả dài lâu mới đáng sợ

 

Bệnh viện đại học Y dược TPHCM là một trong những nơi đầu tiên buộc người tiêm phòngphải làm giấy cam kết không thưa kiện khi có tai biến. Có lẽ đây là cách chẳng đặng đừng khi chưa có luật bảo vệ nhân viên y tế.

 

BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, phó phòng khám viện Pasteur TPHCM, nói: “Chúng tôi được khuyến cáo làm chuyện này. Sau những tai biến vừa qua, ở đây ai... cũng run”.

 

Rảo một vòng quanh vài trạm y tế của Q10, TPHCM trong những ngày tiêm phòngđịnh kỳ, chúng tôi ghi nhận các nhân viên tiêm phòng hễ thấy trẻ sổ mũi là từ chối chích, bất kể nguyên nhân gì. Một phụ huynh nói: “Mất công quá, lại phải ẵm con về nhà. Nhớ thì đi tiêm lại, không nhớ xem như hụt mất một lần”. Cần lưu ý, bộ Y tế hướng dẫn tiêm phòng rất rõ ràng, ngay cả trẻ đang bị tiêu chảy, ho, chảy mũi, đang mọc răng, suy dinh dưỡng mà không có sốt thì vẫn có thể tiêm ngừa.

 

Tiêm không đúng lịch, miễn dịch phòng ngừa bệnh sẽ không đạt hiệu quả cao nhất, người tiêm sẽ chịu thiệt. BS Anh Tuấn lưu ý: “Cũng như mổ xẻ, tiêm phòng có một tỷ lệ tai biến nhất định trong phạm vi cho phép. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Đừng bỏ qua một cơ hội nào để được tiêm ngừa”.

 

Sự dè dặt của nhân viên y tế và thái độ sợ hãi của người dân sau những sự cố đã dẫn đến một số hậu quả đáng tiếc. Tại viện Pasteur TPHCM, người ta đã ghi nhận một hiện tượng hiếm gặp, đó là những trường hợp lên cơn dại do bệnh nhân không chịu tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Nhưng hậu quả của ngần ngại không tiêm phòngviêm gan siêu vi B mới đáng sợ. TS-BS Bùi Hữu Hoàng, bệnh viện đại học Y dược TPHCM, nhận định: “Tình hình này sau 5 – 10 năm nữa, số bệnh nhân mắc viêm gan siêu vi B sẽ gia tăng và họ có nhiều nguy cơ xơ gan và ung thư gan”.

 

Cần có cơ sở tiêm phòng đúng chuẩn

 

Ở TPHCM, chương trình tiêm chủng chủ yếu giao cho các trạm y tế phường. Nhiều năm qua, những cơ sở này thực hiện tốt vai trò, nhưng đến nay mô hình đó có lẽ cần phải xem lại. Thật vậy, do dân số thành phố ngày càng đông, trạm y tế phường khó quán xuyến tốt công tác tiêm phòng, nguy cơ dẫn đến tai biến. Vụ chết người sau tiêm phòng Priorix năm qua ở một trạm y tế phường của quận 5 được xác nhận do nhiễm khuẩn từ nhân viên y tế.

 

Tình hình đến nay cũng không mấy cải thiện, cứ đến ngày là nhân viên từ trung tâm y tế dự phòng quận xách túi thuốc xuống cơ sở, trong khi các trạm y tế thường chật chội, người dân chen chúc nhau để được tiêm sớm. Tại sao không xây dựng một điểm tiêm phòng đúng chuẩn, phụ trách nhiều phường, nơi đó từ nhân viên tiêm phòng đến bác sĩ tư vấn, thăm khám đều chuyên môn hoá cao? Trong hoàn cảnh đó, nhân viên y tế phường chỉ phụ trách đôn đốc người dân đi tiêm và quản lý sổ sách.

 

Một khảo sát của thanh tra bộ Y tế cho thấy không ít địa phương trên cả nước còn mắc sai sót trong công tác tiêm phòng. Chẳng hạn tủ bảo quản vắc xin quá cũ (Long An), không có nhiệt kế theo dõi (Đắc Nông), vắc xin thừa hôm trước để lẫn với vắc xin mới (Vĩnh Long), sổ sách ghi chép chỉ mang tính hình thức (Hải Dương, Tuyên Quang...) Vì thế không lạ gì khi trong nhiều sự cố tai biến do vắc xin, không sự cố nào liên quan đến chất lượng thuốc, vài sự cố do cơ địa người chích, còn lại đa số không rõ nguyên nhân.

 

Để chương trình tiêm chủng phát huy hiệu quả, tốt nhất là nhanh chóng có luật quy định rạch ròi trách nhiệm, để cả người tiêm lẫn nhân viên y tế được bảo vệ. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lần đầu tiên vấn đề bồi thường khi tiêm chủng bị tai biến đã được đề cập trong dự thảo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo ông Phạm Quang Thái, phòng tiêm chủng mở rộng viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: “Nhà nước phải trích ra ngân sách để bảo hiểm chứ không thì cán bộ y tế không ai dám làm công tác tiêm chủng”.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị