Thất bại là yếu tố cơ bản của thành công

(Dân trí) - Tháng trước, Johannes Haushofer, phó giáo sư tâm lý học và phúc lợi công cộng đã đăng lên Twitter bản lý lịch khác lạ của mình, trong đó liệt kê tất cả những học bổng, trợ cấp, chương trình học và những bài báo mà ông bị từ chối.

“Phần lớn những gì mà tôi cố gắng đều thất bại, nhưng những thất bại này thường là vô hình, trong khi thành công lại có thể nhìn thấy. Tôi nhận thấy rằng điều này đôi khi mang lại cho người khác ấn tượng là hầu hết mọi thứ đều thuận lợi đối với tôi. Hệ quả là, họ dễ đổ lỗi cho bản thân vì những thất bại của mình, thay vì nhìn nhận một thực tế rằng thế giới là ngẫu nhiên, mỗi lần nộp đơn là một lần gieo xúc xắc, còn các ủy ban và giám khảo cũng có những ngày “khó ở”. Bản “lý lịch thất bại” này là một cố gắng để cân đối hồ sơ và đưa ra một cái nhìn khác”. GS Johannes Haushofer giải thích như vậy cho danh sách những thất bại và bị từ chối của mình.

Thật ra, thất bại là một yếu tố thiết yếu của thành công, như nhiều doanh nhân, nhà sáng chế và nhà lãnh đạo có thể chứng thực. Nhưng điều đó không làm bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi gặp thất bại. Một sự từ chối có thể dễ dàng cuốn bạn vào vòng xoáy, làm cho bạn - ít nhất là trong giây lát – quên mất rằng sự thất bại có thể là một bước đệm để chiến thắng trong tương lai.

Đang có mối quan tâm mới ở các nhà tâm lý, các chuyên gia giáo dục và các bậc phụ huynh trong việc nghiên cứu phản ứng của chúng ta với thất bại và cách nó định hình thành quả cuối cùng của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy chính sự kiên trì, chứ không phải trí tuệ, sẽ dự báo liệu một học sinh có thành công trong học tập hay không, và việc có một "tư duy tăng trưởng" - niềm tin rằng con người ta có thể học hỏi các kỹ năng mới và mở rộng trí thông minh – sẽ ảnh hưởng đến thành tích.

Nhà nghiên cứu tâm lý học Kyla Haimovitz, Đại học Stanford, gần đây nhận thấy rằng quan niệm của trẻ nhỏ về trí thông minh của bản thân – cụ thể là liệu trí thông minh được cố định từ khi sinh hay có thể mở rộng - được hình thành từ việc quan sát phản ứng của cha mẹ với những thất bại của trẻ. Nghiên cứu cho thấy nếu phụ huynh phản ứng một cách lo lắng hoặc tiêu cực với thành tích kém của con, thay vì dạy con rằng có những điều con cần phải học, thì đứa trẻ dễ tin là trí thông minh đã được quyết định từ trước và không thể thay đổi .

Sự nguy hiểm của việc so sánh mình với người khác

Nếu bạn đang cảm thấy mình là kẻ thua cuộc sau một nỗ lực thất bại, thì có lẽ là vì bạn đang so sánh những thất bại của mình, mà bạn biết rất rõ, với những thành công của người khác, mà bạn chỉ biết một phần câu chuyện.

Khi GS Haushofer lần đầu tiên quyết định liệt kê những thất bại của mình trong học tập, ông cứ nghĩ một vài người bạn thân và đồng nghiệp sẽ phá ra cười và bỏ qua. Nhưng thay vào đó, danh sách những thất bại của ông lại gây tiếng vang với nhiều người trên khắp thế giới. Nó đã được đăng lại trên tờ Bưu điện Washington, CNBC, The Guardian và các trang mạng xã hội khác.

Thất bại là yếu tố cơ bản của thành công - 1

GS Haushofer hàm ý rằng bản lý lịch của ông là lời bình về những thăng trầm của cuộc đời học tập, và liên hệ sự sẵn sàng cởi mở về những thất bại cá nhân của mình với một xu hướng lớn hơn trong khoa học, khuyến khích các nhà nghiên cứu lường trước những thí nghiệm thất bại, những kết quả không thể lặp lại và chia sẻ dữ liệu nói chung.

"Rất nhiều người đang phải đối phó với nhiều áp lực về học vấn, và đây có thể là cuộc trò chuyện hữu ích để phải suy nghĩ về các công cụ mới giúp mọi người đối phó với áp lực trong việc học tập", GS Haushofer nói. "Tôi hy vọng ở một mức độ nào đó nó sẽ mang đến một cách nhìn mới cho những sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ khác, đặc biệt ở những thời điểm khi mọi việc không diễn ra tốt đẹp".

Bạn nên xây dựng bản “lý lịch thất bại” của chính mình?

Dự án của Haushofer, lấy cảm hứng từ Melanie Stefan, một giảng viên tại Đại học Edinburgh, đã truyền cảm hứng cho những người khác để viết ra danh sách những thất bại của mình. Mặc dù từng là người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, GS Haushofer muốn xác nhận rằng chưa có bằng chứng khoa học cho thấy việc làm này sẽ tốt với tất cả mọi người.

"Có thể sự cởi mở sẽ mang lại những kết quả tích cực cho sức khoẻ tâm lý, nhưng tôi nghĩ đây là một vấn đề mà có lẽ cần được nghiên cứu thêm", ông kết luận.

Cẩm Tú

Theo Huffingtonpost