Tẩy trắng da: đẹp trước mắt, hại lâu dài

Trong quá trình khám bệnh hằng ngày, tôi đã nhận được nhiều yêu cầu hoặc câu hỏi đại loại: “Làm sao cho da tôi thật trắng?”, “Tôi đi tắm trắng được không?”…

 

Tẩy trắng da: đẹp trước mắt, hại lâu dài - 1


 

Bản chất các phương pháp tẩy trắng da

 

Qua tìm hiểu tâm tư của chị em, tôi biết rằng sở dĩ phụ nữ thích có làn da trắng là vì muốn trông nổi bật và tự tin hơn, dễ ăn mặc, may mắn trong làm ăn, cảm giác sáng sủa và sang trọng hơn… Nắm bắt thị hiếu này, thị trường cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm, công nghệ tẩy trắng da. Nhìn chung, chúng chia thành hai nhóm:

 

Chất tẩy trắng da siêu tốc: có thành phần cơ bản thường là một chất có tính kiềm như rượu hoặc một chất có tính axit như các AHA (axit glycolic, lactic, citric, malic…), các axit tẩy mạnh hơn (axit trichloracetic, salicylic – tương tự thuốc aspirin). Để khách hàng yên tâm có dưỡng da, người ta sẽ cho thêm một số vitamin B, C, PP, E… Ngoài ra, không thể thiếu corticoid nhằm kháng viêm, giảm kích ứng, làm dịu da. Do đó, chất tẩy trắng siêu tốc thường là một hỗn hợp tự pha trộn bằng cách cà nhuyễn những viên thuốc chứa các thành phần trên rồi quậy với một dung dịch kiềm hoặc axit. Hỗn dịch này sẽ được rỉ tai là “bí quyết” hay “công thức gia truyền”.

 

Da của chúng ta có pH từ 4.5 - 5.5. Các hỗn dịch có tính kiềm hoặc axit mạnh sẽ gây phồng xốp và bong tróc tế bào của các lớp da từ ngoài vào trong, tuỳ nồng độ và độ mạnh mỗi chất. Sau tẩy, lớp da non sẽ lộ ra và cho ta ảo giác có một làn da mỏng mịn như da em bé. Lớp da non này bị mất đi hàng rào bảo vệ bên ngoài sẽ rất dễ bị bắt nắng, sạm đen, mất nước, nhăn chùng…

 

Kem bôi trắng da: có thành phần là các chất giữ ẩm, một số vitamin tạm gọi là “bổ da”, chất tạo màu và tạo mùi tương tự như nhân sâm, rong biển, yaourt… Đặc biệt, corticoid là chất bị lạm dụng tối đa trong hỗn hợp kem này. Corticoid bôi sau vài tuần đến vài tháng sẽ gây ra rất nhiều tác hại trên da. Tác hại xuất hiện sớm hơn là da teo mỏng, mất sắc tố, nổi gân máu nhỏ li ti, có thể nổi hàng loạt mụn trứng cá. Tác hại xuất hiện muộn hơn là lỗ chân lông to dần, sạm nám, nổi cục mụn trứng cá lác đác, dễ bị kích ứng da, da càng teo mỏng theo thời gian, trắng bệch, nổi to các gân máu… Khi mới sử dụng kem bôi trắng da, chúng ta nhầm tưởng da trắng hồng nhưng sau đó da sẽ trông yếu ớt dần, xuất hiện những tác hại như đã nói.

 

Ngoài ra, tại một số nơi trên thế giới người ta còn có thể lạm dụng Hydroquinone nồng độ cao hoặc Benoquine, những chất có tác dụng ngăn chặn sự hình thành hắc tố hoặc gây tổn thương tế bào hắc tố da, để tẩy trắng da triệt để. Tuy nhiên tác hại của phương thức này rất khó lường, có thể gây ra ung thư da. Cách khắc phục tốt nhất tình trạng nám và nhạy cảm da trong những trường hợp đã dùng chất tẩy trắng là ngưng ngay việc sử dụng các hỗn hợp chất như vậy, đi khám bệnh để được theo dõi điều trị tại một cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín.

 

Một làn da thật trắng nhưng teo mỏng, có nhiều nếp nhăn chùng, lốm đốm vết tăng sắc tố, lỗ chân lông to và rất dễ bị đỏ da hay trầy xước khi tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường ngoài thì không thể được gọi là một làn da đẹp khoẻ mà chỉ có thể là một làn da trắng “bệnh”.

 

Không nên trắng da bằng mọi giá

 

Màu sắc làn da được quyết định bởi ba yếu tố: hắc tố (do các tế bào tại màng đáy lớp thượng bì sản xuất ra. Số lượng hắc tố quy định màu da trắng, vàng, đen… tuỳ chủng tộc), hệ thống mạch máu nuôi dưỡng da (khi lượng máu và oxygen trong lòng mạch đầy đủ, da có sắc hồng hào. Ngược lại, khi thiếu hoặc vi mạch bị co lại thì da có sắc xanh tái), các chất màu khác tẩm nhuận vào da (như beta-carotene có trong rau củ màu vàng – đỏ gây vàng da, các chất xăm màu cũng gây cho da có nhiều màu khác nhau…). Phần lớn người Việt Nam mang màu da vàng do số lượng hắc tố trong lớp thượng bì vừa phải và có thể dao động từ trắng vàng sang nâu vàng. Da trắng tạo nét quý phái, sang trọng. Da nâu tạo nét quyến rũ, đầy sức sống. Như vậy, một làn da tươi sáng luôn là một làn da khoẻ đẹp bất kể màu sắc như thế nào.

 

Làn da tươi sáng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: màu sắc phù hợp với chủng tộc; hồng hào vì được cung cấp máu đầy đủ; đồng nhất, không bị pha tẩm tạp màu như các vết tăng – giảm sắc tố, các màu xanh - vàng - nâu do chuyển hoá chất bất thường trong cơ thể…; săn chắc, đủ độ dày và các lớp tế bào da; bề mặt không sần sùi, không có các nếp nhăn chùng, không chứa lỗ chân lông to.

 

Chúng ta không nên cố gắng “chăm sóc bằng mọi cách” để da trở nên thật trắng mà quên đi các tiêu chuẩn của một làn da tươi sáng. Một làn da thật trắng nhưng teo mỏng, có nhiều nếp nhăn chùng, lốm đốm vết tăng sắc tố, lỗ chân lông to và rất dễ bị đỏ da hay trầy xước khi tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường ngoài thì không thể được gọi là một làn da đẹp, khoẻ mà chỉ có thể là một làn da trắng “bệnh”. Làn da trắng “bệnh” này là hình ảnh điển hình của rất nhiều chị em đã sử dụng các dịch vụ tẩy trắng da một cách phi khoa học.

 

Khi da bị tẩy trắng, các lớp cấu tạo da sẽ bị tổn thương ít nhiều và khả năng chống chọi lại tác động của tia UV sẽ bị giảm sút. Chắc chắn rằng làn da sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân từ môi trường ngoài, nhất là ánh nắng. Do đó da tẩy trắng sẽ dễ bị nám hơn.

 

Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh

Sài Gòn tiếp thị