Tay chân miệng ở Hà Nội: Mục sở thị Viện Nhi TƯ

(Dân trí) - Trong khi nhiều tờ báo đến hôm nay vẫn khẳng định tình trạng quá tải triền miên tại bệnh viện Nhi TƯ kể từ thời điểm một bé 3 tuổi tử vong do mắc tay chân miệng thể tối cấp thì tại đúng bệnh viện, mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại.

Đi khám: Chỉ tăng mạnh đúng 2 ngày cuối tuần
 
Tay chân miệng ở Hà Nội: Mục sở thị Viện Nhi TƯ  - 1

Khu đăng ký khám bệnh không hề quá tải (Ảnh: N.H)

 

Có mặt tại bệnh viện Nhi TƯ sớm nay (28/9), đứng tại phòng đăng ký khám dịch vụ 20 phút lúc 9h sáng, ghi nhận chỉ có khoảng 5/30 trường hợp đăng ký khám tay chân miệng hay nổi mẩn, 14/30 trường hợp khám hô hấp và còn lại là trí não chậm phát triển, nôn, u máu, vẩy ở người, đi ngoài, biếng ăn, phình đại trực tràng…

 

Trao đổi với các nhân viên y tế tại phòng đăng ký khám bệnh, mới biết các anh chị rất bức xúc khi báo chí phản ánh ngày 27/9 có hơn 2.000 trẻ đến khám, trong khi thực tế thống kê chỉ là hơn 1.640 trường hợp. Và mặc cho tôi giải thích, các nhân viên y tế ở đây nhất quyết không cung cấp thông tin của ngày hôm nay nếu không có ý kiến từ Ban giám đốc.

 

Trao đổi với TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, mới biết: Thực tế là sau ngày thứ 6 (thời điểm trường hợp 3 tuổi tử vong vì tay chân miệng được công bố rộng rãi), khoa Khám bệnh bệnh viện Nhi TƯ chỉ tăng đột biến 2 ngày cuối tuần (23-24/9) với số lượng đến khám ngày thứ 7 là khoảng 1.500 lượt và Chủ nhật là khoảng 1.200 lượt (bình thường những ngày này là 900 - 1.000 lượt khám). Còn từ thứ 2 đến nay, lượng đến khám lại như thông thường.

 

TS Trần Minh Điển cũng khẳng định những gì PV Dân trí quan sát tại phòng khám đã phản ánh trung thực tình trạng dịch bệnh tại bệnh viện Nhi TƯ.

 

Ngoài ra, tình trạng chen chúc như báo chí đưa tin là do số phòng khám hoạt động ngày nghỉ chỉ bằng 1/3 so với bình thường (ngày thường là 40 phòng khám) và Ban giám đốc bệnh viện cũng đã tăng cường thêm 3 phòng khám nữa vào ngay chiều thứ 7 và Chủ Nhật để đáp ứng nhu cầu khám bệnh tăng đột biến.

 

“Các bậc phụ huynh không nên lo lắng thái quá vì từ đầu năm đến nay, toàn miền Bắc mới chỉ có khoảng hơn 100 trường hợp dương tính với vi-rút EV và trong số này, EV71 (gây biến chứng nặng) chiếm một số lượng rất nhỏ”, TS Trần Minh Điển khuyên.

 

Khoa lây: Bệnh nhân khổ vì bị chụp ảnh ghi hình

 
Tay chân miệng ở Hà Nội: Mục sở thị Viện Nhi TƯ  - 2

Khoa lây lại càng vắng

Tay chân miệng ở Hà Nội: Mục sở thị Viện Nhi TƯ  - 3

Bệnh nhi bị tay chân miệng chỉ chiếm khoảng 10% bệnh nhi điều trị tại khoa Lây (Ảnh: N.H)

 

Không chỉ tỉ lệ khám bệnh tay chân miệng giảm rõ rệt mà khoa lây, nơi điều trị cho 12 bệnh nhi tay chân miệng cũng rất vắng vẻ. Số bệnh nhi này thực chất chỉ chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại khoa Lây. Bác sĩ Minh Phương, người đang thăm khám trực tiếp tại phòng bệnh cho biết, đa số trẻ nhập viện là ở giai đoạn 2A (giai đoạn theo quy định là phải vào viện điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế), chỉ có 1 số rất ít ở gian đoạn 2B.

 

Các bác sĩ ở đây cũng bày tỏ sự thận trọng vì lo ngại việc đưa tin không đúng sẽ gây hiệu ứng không tốt như cha mẹ nghỉ làm, đưa con đi khám dù chẳng bệnh tật gì….
 

Tay chân miệng ở Hà Nội: Mục sở thị Viện Nhi TƯ  - 4

Mọi người đều cố gắng giấu mặt vì sợ sau khi khỏi bệnh, làng xóm kỳ thị
 

Nhưng tỏ ra thận trọng hơn cả chính là những phụ huynh chăm con đang bị tay chân miệng. Ngay khi bác sĩ giới thiệu tôi là phóng viên, lập tức phụ huynh 1 cháu đứng dậy khẳng định con mình không bị bệnh tay chân miệng, đã khỏi và đang điều trị viêm phế quản. Vị phụ huynh này kiên quyết không cho chụp hình. Mọi phụ huynh khác không có hành động bất hợp tác nhưng cũng tỏ thái độ e dè, thận trọng. Tìm hiểu mới biết, do bị ghi hình, lên ảnh, mà 2 mẹ con chị phải ở nhà ngoại sau khi từ viện về vì hàng xóm láng giềng xung quanh nhìn với ánh mắt kỳ thị, lo ngại và mọi người tỏ ra xa lánh. Khi được hỏi nếu ở địa vị của họ, chị nghĩ gì? Vị phụ huynh này nói rằng phải con mình thì mình phải chịu vì ở quê không có điều kiện để tìm hiểu nhiều về bệnh tật. 

 

Nhân Hà