Tâm thần vì nghiện game

Từ khi nghỉ hè, N.A.Đ, 17 tuổi (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội), chôn chân cùng chiếc máy tính nối mạng và dành hết sức lực để “cày” game online. Đến khi cơ thể, tinh thần Đ. suy nhược trầm trọng, gia đình phải “cưỡng chế” Đ. nhập Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia điều trị.

 

Tâm thần vì nghiện game  - 1

Em Đ. đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia
 

 

“Game thủ” nhập viện

 

Ông N.Đ.N, bố của bệnh nhân, cho biết con trai ông chơi game khi còn là học sinh THCS. Sợ con nghiện game bỏ nhà đi lang thang theo đám bạn xấu, ông gom góp lương hưu mua cho con chiếc máy tính và nối mạng. Buổi sáng đi học, buổi chiều về nhà Đ. lại vùi đầu vào chơi game Kiếm thế.

 

Chẳng bao lâu, Đ. nghiện nặng, đến cơm cũng chỉ ăn một vài miếng cho xong rồi lại chúi mũi vào trò chơi. “Khi bị đưa vào phòng khám, nó cáu bẳn, chỉ chờ có cơ hội là bỏ chạy. Ba ngày đầu nằm viện, nó ngủ li bì như chưa bao giờ được ngủ...”, ông N. xót xa khi kể về cậu con trai. Sau gần 2 tuần được điều trị, cơn nghiệm game của N.A.Đ đã tạm thời được cai, tinh thần và sức khỏe cũng dần khá lên nhưng đôi mắt vẫn đờ đẫn, ngây dại khi tiếp xúc với người khác.

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, cho biết vào dịp nghỉ hè, tỉ lệ trẻ em bị các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần do chơi game cũng tăng lên, nhất là game online. Game online đang là hình thức giải trí “hot” nhất của giới trẻ nhưng từ chỗ chơi cho vui đến nghiện nặng, dồn tất cả tiền bạc, sức lực, thời gian... cho game online là một khoảng cách rất mong manh. Có nhiều trường hợp nghiện đến nỗi đánh mất bản năng và không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của bản thân.

 

Các chuyên gia tâm lý cho biết những người nghiện game đều có chung triệu chứng như sao nhãng các thú vui, chán ghét mọi thứ, không còn có những ham muốn sinh lý như người bình thường. Những người này sẽ có những biến đổi rất lớn về tâm lý, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoang tưởng, loạn thần. Thậm chí nhiều em thiếu tiền chơi game phải cướp của, giết người, tống tiền  người khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vụ án liên quan tội phạm do game có xu hướng gia tăng.

 

Nghiện như ma túy!

 

Theo giới chuyên môn, game online là “chất” gây nghiện mạnh tương đương với một số loại ma túy tổng hợp. “Cũng giống như nghiện ma túy, nếu càng cấm, trẻ càng tìm cách để chơi... và khi “cơn nghiện” nổi lên trẻ sẽ không kiềm chế được. Ở mức nhẹ thì bỏ ăn uống, học hành sa sút, nặng hơn thì cáu bẳn, hay sinh sự, còn cao hơn nữa là loạn thần, bị ảo giác chi phối. Thực tế, đã có không ít trường hợp bị đột quỵ, chết trên bàn game vì chơi quá nhiều”- bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

 

Điều đáng quan tâm là hiện nay, số ca bệnh liên quan tới nghiện game đang ngày một tăng cao. Theo bác sĩ Tuấn, với “hội chứng” nghiện game thì sau 2 tuần có thể điều trị được bằng cách cách ly game thủ khỏi môi trường. Tuy nhiên, nguy cơ tái nghiện rất cao khi trở về gia đình, đặc biệt trong trường hợp gia đình không cương quyết cách ly bệnh nhân sau khi điều trị khỏi game online. Vì thế, việc cai nghiện đòi hỏi game thủ phải có quyết tâm, cộng với sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Thời gian cai nghiện game có thể kéo dài từ một vài tháng đến một vài năm.

Muốn tự sát

 

Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan tới game đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hóa. Có tới 50% - 70% người chơi game có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần với các dấu hiệu trầm cảm, lo âu, thậm chí có biểu hiện hung hăng. Trong số này có tới 15% có ý tưởng muốn tự sát.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động