Tại sao trẻ đã tiêm vắc-xin vẫn mắc bệnh?

Mặc dù đã được tiêm vắc-xin phòng ngừa theo chương trình tiêm chủng bắt buộc, tuy nhiên, nhiều bệnh viện gần đây thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ bị bạch hầu, lao, sởi, quai bị, thuỷ đậu… Điều này do chất lượng vắc-xin không đảm bảo hay do vi-rút ngày càng có độc lực mạnh hơn?

 

Tại sao trẻ đã tiêm vắc-xin vẫn mắc bệnh? - 1

Trẻ được tiêm vắc-xin tại Viện Paster TPHCM
 

Đã tiêm phòng vẫn mắc bệnh

 

BS Phan Tứ Quý - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết: Mới đây, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc trẻ em đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi có những triệu chứng của bệnh bạch hầu, mặc dù xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh cho kết quả âm tính.

 

Ca mới nhất là bệnh nhi H.N.H.K (5 tuổi, Q.8) phát hiện một loại vi khuẩn dạng bạch hầu, nên đã chuyển bệnh nhi sang BV Bệnh nhiệt đới. BS Quý cho biết, bệnh nhi phải nằm viện theo dõi ít nhất từ 1-3 tháng vì bạch hầu thường gây ra những biến chứng muộn, đặc biệt là suy tim. Khi bệnh nhân đã bị biến chứng này, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 80%.

 

Một trường hợp khác đã tiêm phòng lao từ nhỏ cũng bị nhiễm lao. Bệnh nhân tên N.T.P.L, 13 tuổi (ngụ Lâm Đồng) được đưa đến BV Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng bị lao phổi nặng. Việc đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị nhiễm lao khiến gia đình nghi ngờ chất lượng vắc-xin.

 

BS Trương Hữu Khanh - khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng I còn cho biết BV cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị 3 lần bệnh tay chân miệng. Nhiều người tưởng rằng, trẻ chỉ bị một lần rồi thôi, tuy nhiên, theo BS Khanh, những trẻ mắc bệnh này, khả năng bị lại vẫn rất cao.

 

Coi chừng tiêm không đủ liều...

 

Câu hỏi được đặt ra, liệu vắc-xin đã được tiêm phòng theo quy định có bảo vệ trẻ không bị virus các loại bệnh nhiễm tấn công? Theo các BS, việc nhiều trường hợp đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn nhiễm các loại bệnh như trên do nhiều nguyên nhân.

 

Trước đây, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ em thường được tiêm 3 mũi phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván vào lúc hai - ba và bốn tháng tuổi. Nhưng hiện nay, theo phác đồ mới của Bộ Y tế, trẻ phải được tiêm nhắc lại một mũi phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván vào lúc 18-19 tháng tuổi. Nhiều trường hợp không được tiêm nhắc lại nên rất dễ bị vi-rút tấn công.

 

Phổ biến nhất là việc, một số trẻ dù đã tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, rubella nhưng vẫn mắc các loại bệnh này. BS Tống Thanh Sơn - khoa Khám bệnh trẻ em lành mạnh, BV Nhi Đồng II TPHCM tư vấn, theo chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây, chỉ cần tiêm một liều vắc-xin sởi đã đủ tạo ra miễn dịch cao và bền vững. Tuy nhiên, gần đây số ca mắc sởi tăng lên, một số nơi xuất hiện ổ dịch, một số trường hợp đã tiêm vắc-xin nhưng cơ địa vẫn không đáp ứng. Do đó, hiện nay mỗi trẻ phải tiêm tối thiểu hai liều vắc-xin. Thế nhưng, một số bệnh nhi vẫn mắc bệnh sởi, có thể do trẻ có cơ địa miễn dịch đặc biệt. Cũng có khi do trẻ đang trong giai đoạn uống một số loại thuốc ức chế miễn dịch điều trị bệnh hen suyễn, hội chứng thận hư, bệnh lý về khớp... khiến việc tiêm vắc-xin tạo miễn dịch không hiệu quả.

 

BS Trương Hữu Khanh khẳng định, nếu trẻ đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh quai bị, sởi, rubella, thủy đậu thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm vi-rút nặng. Ngoài ra, nếu cách bảo quản vắc-xin chưa tốt và cách tiêm không đúng, cũng khiến việc tiêm phòng không hiệu quả.

 

Riêng trẻ mắc lao khi đã được tiêm phòng, BS Trần Ngọc Đường, BV Phạm Ngọc Thạch, TPHCM giải thích: Khi trẻ sinh ra, trong vòng ba ngày đầu tiên thường được tiêm vắc-xin BCG ngừa bệnh lao.

 

Ở những trẻ không được tiêm ngừa hoặc sau một thời gian tiêm ngừa, nồng độ kháng thể giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ, vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập, tiết ra độc tố. Độc tố bạch hầu hấp thu vào máu, theo tuần hoàn đi khắp cơ thể, dẫn đến tổn thương ở các cơ quan khác: Viêm cơ tim, viêm dây thần kinh... Biến chứng có thể xảy ra trong những ngày đầu của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động