Tại sao tôi lại bị lở miệng?

(Dân trí) - Tại sao các góc miệng của tôi lại bị nứt nẻ? Liệu có phải do cơ thể tôi thiếu loại vitamin nào không?

Trả lời:

 

Nứt khoé miệng trong y học gọi là bệnh lở miệng. Trước đây, các bác sĩ cho rằng thiếu vitamin D hay thiếu sắt chính là nguyên nhân nhưng rõ ràng là không một loại vitamin nào giúp điều trị hiệu quả đối với bất kỳ trường hợp mắc bệnh lở miệng nào. Như vậy, vấn đề không nằm ở dinh dưỡng mà là từ những nguyên nhân khác.

 

Nếu vết loét này không chỉ ở một bên miệng (gây ra lở loét ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, mặc dù nó thường phổ biến ở môi, khoé miệng) thì thủ phạm chính là vi rút herpes đơn. 

 

Vi rút này thường khu trú đâu đó trong cơ thể và rồi phác tác khi hệ miễn dịch suy giảm do lao động quá sức hay không khoẻ. Khi đó, vi rút sẽ thoát ra khỏi các tế bào thần kinh, nơi luôn bị ức chế hoạt động.

 

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, cần phải làm xét nghiệm dịch ở vết thương.

 

- Nếu đó là bệnh herpec môi, bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc kháng vi rút như kem bôi aciclovir (bạn có thể hỏi dược sĩ về loại thuốc này). Loại kem bôi này không có tác dụng tiêu diệt vi rút mà chỉ làm liền vết loét.

 

- Cả 2 bên khóe miệng đều bị nứt nẻ là bệnh rất phổ biến ở người lớn tuổi, khi mà các cơ mặt chảy sệ hoặc hàm bị tụt do làm răng giả khiến miệng rủ xuống khiến khu vực 2 bên khóe miệng thường xuyên ẩm ướt do nước bọt lọt ra. Do bị ẩm ướt thường xuyên nên vùng da này ngày càng mềm và bong dần, kết quả là gây loét 2 bên miệng.

 

- Một thủ phạm khác có thể dẫn tới bệnh này là nấm Candida (hay còn gọi là tưa miệng). Các bào tử nấm Candida ở mọi nơi và sẽ nhanh chóng xâm nhập vào da. Khi vùng da này ẩm ướt sẽ tạo cơ hội cho loại nấm này phát triển, dẫn tới nứt nẻ 2 khóe miệng. Với trường hợp này, cần điều trị kem chống nấm, thoa 2 lần/ngày trong vòng 2 tuần.

 

Nếu các vết nứt, loét đóng vẩy thì có thể nhiễm tụ cầu khuẩn, một loại khuẩn thường sống trên da và bình thường không gây hại. Nhưng nếu có một vết thương nào đó thì nó sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng. Lúc này cần phải điều trị bằng loại kem bôi có kháng sinh với thời gian thoa ít nhất là 7 ngày.

 

Cuối cùng, cách tốt nhất để bảo vệ vùng khóe miệng, tránh lở loét vào mùa đông là dùng Vaseline. Các loại sáp bôi môi sẽ giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc của nước bọt với làn da ở khóe miệng cũng như chống lại các vi khuẩn hay các bào tử nấm.

 

Nhân Hà

Theo Dailymail