Tại sao lại thức đêm ngủ ngày?

(Dân trí) - Đó chỉ một trong vô số những câu hỏi liên quan đến giấc ngủ. Dưới đây là giải thích của các chuyên gia về 5 hiện tượng thường gặp liên quan với giấc ngủ.

Váng vất khi thức dậy

 
Nguyên nhân: Sự xáo trộn thói quen hoặc ngủ quá nhiều.

 

Cơ thể thường mong muốn sự đều đặn và muốn được thức dậy vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày. Nó thường háo hức chuẩn bị cho sự tỉnh giấc từ trước đó 1 tiếng nhưng nó chỉ có thể chuẩn bị khi bạn thực sự muốn. Vì vậy nếu bạn thường thức giấc lúc 7h sáng hằng ngày thì lúc 6h, cơ thể đã bắt đầu vận hành để bạn có thể nhảy ra khỏi giường đúng giờ.

 

Khi đó, nhịp sinh học sẽ sản xuất hooc-môn theo đúng như giờ đã hẹn trước. Ví dụ, một hooc-môn chống lợi tiểu thường tăng lên vào ban đêm để kiểm soát việc sản xuất nước tiểu, giúp giấc ngủ không bị quấy rầy vì phải đi tiểu. Dịch vị dạ dày cũng sẽ khởi động để tạo cảm giác thèm ăn khi bạn thức giấc.

 

Nhưng nếu thói quen bị xáo trộn, như ngủ nướng trong cả 1 tuần thì cơ thể sẽ không kịp thích nghi với sự thay đổi này, các phản ứng nội sinh quen thuộc sẽ không diễn ra như trước nữa. Điều tương tự cũng xảy ra vào sáng thứ 2 khi cuối tuần bạn chỉ ngủ vùi.

 

Giải pháp: Theo GS Kevin Morgan, Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Đại học Loughborough (Mỹ), cách đơn giản là hãy luôn duy trì một thói quen cho giấc ngủ và không ngủ nướng vào những ngày cuối tuần.

 

“Điều này sẽ giúp nhịp sinh học của cơ thể luôn ổn định và ngăn chặn được cảm giác “say ngủ” khiến bạn ngủ quá nhiều hoặc có cảm giác váng vất, nằng nặng sau khi thức giấc”, GS Morgan nói.

 

Mệt mỏi vào ban ngày

 

Nguyên nhân: Nếu bạn thiếu ngủ, mệt mỏi do tăng cân hay lo lắng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ.

 

Ngưng thở khi ngủ là một bệnh phổ biến, ảnh hưởng 2-4% dân số. Bệnh thường gặp ở những người thừa cân, đặc biệt là những nam giới có vòng cổ lớn.

 

Khi họ ngủ, đường hô hấp có thể bị chèn ép và gây ra sự ngừng thở trong khoảng 10-60 giây. Lượng ôxy giảm thấp sẽ đánh thức não bộ và quá trình hô hấp lại bắt đầu sau 1 tiếng ngáy và họ hoàn toàn không biết điều này.

 

Một nguyên nhân khác là do lo lắng. Tiến sĩ Stanley cho biết: “Điều này làm cho giấc ngủ nông hơn, thời gian cho giấc ngủ sâu ngắn lại trong khi đây lại là giai đoạn nghỉ ngơi đầy đủ nhất.

 

Một số người coi cảm giác buồn ngủ vào ban ngày là hiện tượng bình thường nhưng sự đó không phải là điều hiển nhiên. “Nếu ngủ ngon giấc, bạn sẽ luôn cảm thấy tuyệt vời. Nhưng sau 1 giấc ngủ dài mà chỉ thấy mỏi mệt thì đó có thể là dấu hiệu của một bệnh mãn tính hay tật nghiến răng.

 

Giải pháp: Nếu tuần nối tuần bạn luôn cảm thấy buồn ngủ thì hãy đi khám bác sĩ ngay.

  

Ngủ quá nhiều

 

Nguyên nhân: chủ yếu là chứng hypersomnia.

 

Những người mắc các bệnh mãn tính có xu hướng ngủ nhiều hơn. “Đó là một dấu hiệu của bệnh tật”, GS Francesco Cappuccio, một chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Warwick cho biết.

 

Hiện tượng này có thể thấy ở người bị trầm cảm mãn tính (ở giai đoạn đầu của trầm cảm thì hiện tượng thường gặp là mất ngủ).

 

Giải pháp: Hãy nói với bác sĩ về vấn đề này. Các bác sĩ thường ít khi hỏi chúng ta ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm nhưng chia sẻ của bạn sẽ giúp bác sĩ có chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe.

 

Nếu ai đó ngủ quá nhiều thì họ có thể đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nào đó. Mỗi người có một nhu cầu ngủ riêng nhưng nếu giấc ngủ đêm hay ngủ trưa nhiều hơn bình thường và kéo dài, hoặc cảm thấy khó thức dậy thì nên lưu ý.

 

Chỉ ngủ khi quá muộn

 

Nguyên nhân: nếu bạn không buồn ngủ dù đã nửa đêm và khó lòng thức dậy như mọi người vào sáng hôm sau thì đó có thể là do nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể quy định như vậy.

 

Mỗi người có một nhịp sinh học riêng nhưng không nhất thiết là phải 24 tiếng. Nó có thể là 23 hay 25 tiếng. Những người có nhịp sinh học muộn sẽ có xu hướng ngủ muộn hơn 1 chút vào mỗi ngày. Tuy nhiên nó cũng sẽ điều chỉnh theo sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời. Bởi khi melatonin, một hooc-môn gây buồn ngủ, gia tăng tức là não nhận được tín hiệu là đã tối rồi. Khi có ánh sáng mặt trời, melatonin sẽ giảm xuống và chúng ta bị đánh thức.

 

Tuy nhiên, đối với một số người thức dậy sớm hay muộn chỉ là một hành vi có thể thay đổi.

 

Giải pháp: Giảm thiểu ánh sáng trước khi lên giường. Nếu có thể, hãy để ánh sáng tự nhiên đánh thức bạn mỗi ngày.
 
Nhân Hà
Theo Dailymail