Tại sao bạn hay lo lắng?

(Dân trí) - Lo lắng là một phần của cuộc sống và là một sản phẩm tự nhiên của não bộ. Một chút lo lắng là rất tốt, rất cần thiết vì nó thúc đẩy chúng ta thực hiện các kế hoạch tốt hơn nhưng nếu triền miên thì chắc chắn là một thảm họa.

Đối với hàng triệu người trên khắp thế giới, lo lắng đang hủy hoại cuộc sống của họ hằng ngày, chỉ riêng việc khống chế nó cũng đủ làm họ luôn trong tình trạng mệt mỏi. Ước tính có khoảng 15% người dân Mỹ bị rối loạn lo âu. Căn bệnh này bao gồm các biểu hiện như lo lắng, những ám ảnh không dứt, thường xuyên hốt hoảng… nhưng bao trùm tất cả luôn là tâm trạng lo lắng.

 

Vậy làm thế nào để biết rằng liệu mình có bị lo lắng quá mức hay không? Khi lo lắng trong một hoàn cảnh nào đó trở thành nỗi sợ hãi thường trực và chiếm ưu thế trong cuôc sống hằng ngày thì thực sự bạn đã thực sự gia nhập thế giới của chứng rối loạn lo âu.

 

Đôi khi sự lo lắng được biểu hiện qua sự hốt hoảng. Một người luôn chìm đắm trong những cơn hốt hoảng thường có nhịp tim nhanh, thậm chí nghe rõ cả tiếng thình thịch, đôi khi là cảm giác đau hay như cái gì đó chặn ngang ngực. Việc hít thở trở nên khó nhọc. Cơ thể run lên và tay chân rịn mồ hôi. Một số người có cảm giác nóng ran tay và chân, đôi khi là cả cánh tay, cẳng chân. Họ cũng thường bắt đầu cảm giác đau đầu nhè nhẹ.

 

Nạn nhân của chứng rối loạn lo âu thường không thể kiểm soát cảm giác của mình. Đôi khi, những người xung quanh cảm giác như họ bị điên loạn. Cảm giác hốt hoảng cũng trở nên đáng sợ tới mức những người bị bệnh tự hỏi liệu họ có thể sống sót trong thế giới này hay không.

 

Ít nhất 5% người Mỹ từng rơi vào tình trạng hốt hoảng. Thường thì nó diễn ra rất bất ngờ, không hề có lý do báo trước. Chúng cũng có thể đến khi một người vừa trải qua stress trầm trọng. Thông thường, sự hốt hoảng có thể kéo dài trong nhiều phút.

 

Với một số người, những người khác có thể là nguyên nhân gây ra sự lo lắng. Những lo lắng có tính chất thuộc về quan hệ thường tạo ra cảm giác rằng bạn đang bị quan sát và phán xử bởi người khác, thậm chí nếu như ngay cả khi lý trí bạn biết rằng không ai chú ý tới bạn.

 

Ở những trường hợp nhẹ hơn, lo lắng có thể được tạo ra bởi chính họ khi thấy sự hiện diện của người khác. Ở những trường hợp nặng, rối loạn lo âu sẽ gây ra suy nhược cơ thể và bản thân người bệnh luôn muốn lảng tránh các mối quan hệ liên quan.

 

Những người bị rối loạn lo lắng thường bị suy kiệt năng lượng, mất hứng thú và thần kinh luôn trong trạng thái bị kích thích.

 

Bệnh thường diễn tiến âm thầm và vì thế rất hiếm trường hợp có thể phát hiện sớm. Vậy nên, khi nhận thức được vấn đề thì dù cố gắng thư giãn hoặc kiểm soát stress thì lo lắng vẫn luôn ám ảnh tâm trí trong cả công việc lẫn sinh hoạt đời thường.

 

Nếu rơi vào tình trạng này, nhất định bạn đang cần một chuyên gia sức khỏe tâm lý.

 

Nhân Hà

Theo MSN