Tai nạn ở trẻ trong dịp Tết Nguyên đán

Trẻ con vốn hiếu động, đôi khi người lớn chỉ lơ là một chút là có thể dẫn tới hậu quả lớn cho trẻ. Những ngày cận Tết, người lớn thường tất bật với đủ loại công việc vì thế mà tai nạn ở trẻ lại xảy ra nhiều hơn.

 

Bỏng

 

Chỉ trong một ngày gần Tết, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp bị bỏng do người lớn vô ý.

 

Trường hợp thứ nhất là bé Lê Quốc Toàn, 5 tuổi (ngụ ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), nhập viện trong tình trạng bị bỏng với diện tích 52%, độ II. Nguyên nhân do mẹ của em nấu sữa đậu nành (để bán), nấu xong để dưới đất, Toàn chạy chơi và bị té vào! Sau khi em bị bỏng, người nhà còn dùng nước mắm tưới lên những chỗ bỏng (cho rằng sẽ mát), khiến bệnh nặng thêm.

 

Trường hợp thứ hai là bé Nguyễn Vi Thiên Hưng, 2 tuổi (ngụ ở Q.Tân Bình, TPHCM), bị bỏng độ II, rải rác ở mặt, ngực, bụng, hai tay. Trường hợp này bị bỏng do người lớn nấu nước sôi để trong tầm với của bé, Hưng đã chồm lên, kéo đổ ca nước nóng vào người.

 

Bác sĩ Phan Vũ Bảo, Phó khoa Phỏng - chỉnh hình (BV Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết: "Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm gần Tết là có rất nhiều trẻ bị bỏng nhập viện (phần lớn bỏng rất nặng).

 

Nguyên nhân là ở thời điểm này, nguy cơ bỏng (nấu nướng, sản xuất, chế biến thực phẩm nhiều hơn) nhiều trong khi người lớn lại bận rộn hơn, trông coi bé không chu đáo, khiến tai nạn dễ xảy ra. Phần lớn trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn, vô ý của người lớn.

 

Thường gặp là bỏng nước sôi, canh nóng, dầu mỡ nóng. Một số khác bỏng do trẻ đút tay vào ổ điện hay bỏng do lửa".

Trước đó, BV Nhi đồng I tiếp nhận bé Nguyễn Anh Bảo Chân, 1 tuổi (ở TPHCM) bị bỏng canh nóng ở mặt, hai tay... do người nhà dọn cơm, canh dưới đất nhưng không trông coi, để bé bò đến chụp đổ tô canh.

 

BV Nhi đồng 2 (TPHCM) gần đây cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp rất thương tâm. Đó là bé Bùi Tiến Đạt, 3 tuổi (ở Dĩ An, Bình Dương) bị bỏng dầu ăn toàn bộ ở phần lưng và hai mông, 2 tay, làm bong tróc da rất tội nghiệp. Nguyên nhân là do người lớn chiên chả cá để bé đến gần bếp, kéo đổ vào người!

 

Một bé khác cũng là nạn nhân từ sự vô ý của người lớn là bé Ngô Đình Quốc Bảo, 10 tháng tuổi (ngụ ở Q.Phú Nhuận, TPHCM) nhập viện tại BV Nhi đồng 2. Bảo bị bỏng nước trà nóng rải rác khắp cơ thể, từ ngực, bụng đến hai tay, hai chân. Nguyên nhân do người nhà của bé nấu một ấm nước trà lớn, bé ngồi xe đẩy, đẩy tới kéo ấm nước làm đổ lên người.

 

Còn bé Nguyễn Văn Toàn, 19 tháng tuổi (nhà ở Q.4, TPHCM) thì bị bỏng mỡ heo trầm trọng.

 

Chấn thương

 

Ngoài bỏng (thường để lại hậu quả nặng nề cho trẻ) thì còn có nhiều tổn thương khác (do sự bất cẩn của người lớn) cũng nghiêm trọng, có khi còn khiến trẻ bị tử vong.

 

Chỉ mới đây thôi, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận hai trường hợp (một trường hợp 3 tháng tuổi ở Q.9 và một 7 tháng tuổi ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) bị chấn thương rất nghiêm trọng (dập đầu, vỡ gan, xuất huyết nội tạng...) do tủ đè. Hai bé này đã chết không bao lâu sau khi vào viện do bị chấn thương quá nặng.

 

Trước đó, khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng 2 (TPHCM) đã tiếp nhận một trẻ 3 tuổi ở TPHCM bị chấn thương rất nặng và cũng đã tử vong sau đó, do bố chơi trò tung hứng (tung bé lên cao nhưng rồi chụp hụt vì bị vấp chân!).

 

Một trường hợp khác cũng vào BV Nhi đồng 2, nhưng không thể cứu chữa được vì chấn thương đầu quá nặng, do bố để con ngồi trên lan can lầu, bé vùng vẫy, khiến bố vuột tay làm bé bị rơi từ trên cao xuống!

 

BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TPHCM) là những nơi thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ (nhất là những trẻ mới biết đi) bị chấn thương sọ não do té cầu thang!

 

Hóc dị vật

 

Gần đây, tai nạn do trẻ nuốt đồng xu cũng gặp rất nhiều. Bác sĩ Lê Đình Trứ - Trưởng khoa Tai - mũi - họng BV Nhi đồng 2 nói: "Nhiều người vô ý để cho trẻ nhỏ chơi tiền xu, trẻ ngậm rồi nuốt luôn. Có trường hợp trẻ không nuốt, nhưng ngậm tiền rồi cười đùa, khiến tiền rớt vào thực quản!".

 

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai - mũi - họng (BV Nhi đồng I) nói: "Ngoài đồng xu, trẻ nhỏ thường nuốt những dị vật khác hoặc nhét vào mũi, vào tai những loại hạt, đầu bút bi... Nếu trông coi không cẩn thận, đây là những tai nạn khiến trẻ phải vào viện rất nhiều".

 

Mới đây, bác sĩ Quách Ngọc Minh khoa Tai - mũi - họng (BV Nhi đồng 2) đã lấy ra một mảnh thủy tinh cho bé Nguyễn Công Hậu, 10 tháng tuổi (ở Cao Lãnh, Đồng Tháp). Bé này ngậm mảnh thủy tinh rồi bị rơi vào đường thở, nhưng người lớn không hay biết, chạy chữa ở một số nơi với chẩn đoán và điều trị viêm phổi bằng kháng sinh mạnh nhưng không hết bệnh.

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên