TPHCM:

Tai nạn giao thông lên mức "báo động đỏ"

(Dân trí) - May mắn thoát chết dưới gầm xe tải nhưng anh Đét và chị Ly đã bị cán nát cả hai đôi chân. Đó chỉ là hai trong số 224 trường hợp TNGT chuyển đến Chợ Rẫy 2 ngày cuối tuần qua - con số được đánh giá sức hủy diệt hơn cả... chiến tranh.

“Kỷ lục” về số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) nhập viện vừa được ghi nhận tại bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ trong hai ngày 26 và 27 tháng 2, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận 224 “nạn nhân xa lộ” đáng lo ngại hơn, trong số đó có tới 154 trường hợp bị chấn thương sọ não.

Tình hình TNGT tăng đột biến, xảy ra dồn dập ở nhiều nơi, số ca nhập viện hầu hết đều trong tình trạng nặng khiến Ban giám đốc bệnh viện cũng phải “giật mình”. “Ngày thường, khoa chúng tôi chỉ phải tiếp nhận khoảng 45 đến 50 bệnh nhân TNGT vào cuối tuần hay ngày lễ con số đó giao động ở mức 70 đến 80 ca. Nhưng cá biệt trong hai ngày cuối tuần qua số ca nhập viện lên tới 224 người. TNGT đang ở mức báo động đỏ.” BS Tôn Thất Quỳnh Ái, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

Tai nạn giao thông lên mức "báo động đỏ" - 1

Anh Đét và chị Ly đã vĩnh viễn mất đi đôi chân.

20 giờ ngày 26/2 trên quốc lộ 1A đoạn chạy qua cầu vượt An Sương (quận 12, TPHCM) xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến hai người ngụ tại tỉnh Trà Vinh là anh Phạm Văn Đét (SN 1972) và chị Lê Thị Pha Ly (SN 1984) bị cán nát hai cặp giò. Trước đó, anh Đét và chị Ly đang trên đường đi làm về bằng xe gắn máy, đến đoạn đường trên do va quệt với chiếc xe lôi nên cả hai đều bị té xuống đường. Vừa lúc đó, chiếc xe tải chở sắt lao tới cán nát chân của cả hai người.

Anh Đét và chị Ly được người dân đưa tới bệnh viện Quốc Anh cấp cứu, nhưng do bị mất quá nhiều máu và choáng nên cả hai đều rơi vào tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, mạch không bắt được. Lúc 10 giờ anh chị được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy.

BS Phạm Văn Đông, Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức cho biết: “Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bốn chân của hai bệnh nhân đều bị dập nát qua khớp gối. Thương tích quá nặng, để giữ lại sự sống cho nạn nhân chúng tôi đã buộc phải cắt bỏ cả bốn chi lên đến 1/3 xương đùi.” BS Đông tỏ ra lo ngại cho cuộc sống tới đây của anh Đét và chị Ly khi họ không còn đôi chân.

Tai nạn giao thông lên mức "báo động đỏ" - 2

Tử vong, chấn thương sọ não ở người bị TNGT đang tăng cao.

Tiếp đó, ngày 27/2 vụ tai nạn thương tâm khác lại xảy ra trên tuyến đường Cần Giờ - TPHCM. Do tài xế không làm chủ được tốc độ nên chiếc xe 7 chỗ đã tông thẳng vào cột điện. Cú tông quá mạnh khiến 2 người chết tại chỗ, 3 người lớn và 3 trẻ nhỏ được chuyển tới bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các nạn nhân đều bị đa chấn thương, riêng 3 cháu bé là Thái Ngọc Tuấn Kiệt (SN 2009), Đặng Phương Thảo (SN 2009), Lê Phước Thiện (SN 2006) bị chấn thương sọ não rất nặng.

Có không ít trường hợp tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ xuất phát từ sự “sơ ý” của cha mẹ. Cho con ngồi trước xe gắn máy đi chơi nhưng cha mẹ bé Cháu Phạm Thị Lượng (SN 2007, ngụ tại Gò Vấp) chỉ đội mũ bảo hiểm cho mình mà “quên” đội cho con. Cả ba người trong gia đình đã phải nhập viện cấp cứu sau khi va chạm với xe gắn máy khác. Đập đầu xuống đường nhưng không có mũ bảo hiểm cháu Lượng đã bị chấn thương sọ não rất nặng (máu tụ màng cứng, máu tụ trong não, xuất huyết khoang dưới nhện). Tiên lượng của bác sĩ về tình trạng của bé rất dè dặt.

Tại khoa Chấn thương – Chỉnh hình của bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân bị TNGT chiếm đến 90%. BS Nguyễn Vĩnh Thống, Trưởng khoa cho biết: “Thiết kế ban đầu khoa chúng tôi chỉ có 52 giường bệnh, nhưng do bệnh nhân quá đông nên đã phải kê lên 110 giường. Số bệnh nhân thực nằm tại khoa hiện nay là 150 người, nhiều giường bệnh đã phải nằm hai người. TNGT đang hủy diệt con người còn hơn cả chiến tranh.”

Tai nạn giao thông lên mức "báo động đỏ" - 3

"Nạn nhân xa lộ" đang là gánh nặng với gia đình và xã hội

BS Tôn Thất Quỳnh Ái, tỏ ra lo ngại: “TNGT đang nóng lên từng ngày, số ca chấn thương nặng và tử vong cũng không ngừng tăng lên. Khó có thể phân tích được những nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng nhưng ý thức chấp hành luật của người dân khi tham gia giao thông đang là vấn đề nan giải".

"Nhiều nạn nhân nhập viện trong tình trạng nồng nặc hơi men. Trẻ em phải đội nón bảo hiểm đã quy định thành luật, nhưng phụ huynh vẫn phớt lờ. Nón bảo hiểm “rởm” 30 - 40 nghìn đồng một chiếc bán tràn lan bên lề đường không được kiểm soát. Bên cạnh các ca tử vong những trường hợp gặp phải thương tật do TNGT gây ra đang để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội” - bác sĩ Ái phân tích.

Để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, bác sĩ khuyến cáo mọi người không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, cả trẻ em và người lớn đều phải đội nón bảo hiểm (nón đảm bảo chất lượng) khi đi mô tô, xe gắn máy, không lấn tuyến, không phóng nhanh vượt ẩu, không lạng lách đánh võng…

Vân Sơn