Công trình nghiên cứu được giới thiệu tham dự Giải thưởng NTĐV:

“Sự hồi sinh của người bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng”

(Dân trí) - “Mang sản phẩm là đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não” tham dự Giải thưởng Nhân tài đất Việt, chúng tôi chỉ với một mục đích, cộng đồng sẽ biết nhiều hơn tới việc cho hiến tạng từ người chết não…

… Những người không may tử nạn vì chết não, hoàn toàn có thể mang lại một cuộc sống mới cho những người bệnh suy tạng đang sống lay lắt, chờ chết tại bệnh viện”. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ về một “sản phẩm” đặc biệt mà bệnh viện Việt Đức tham dự Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y Dược năm 2011 do báo Dân trí tổ chức.
 
“Sự hồi sinh của người bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng” - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức


 

Thắt lòng nhìn cảnh người bệnh chờ chết!

“Tôi nhớ mãi trường hợp người bệnh là một chiến sĩ công an có tiền sử bệnh xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa, chiều đó vẫn đi làm bình thường nhưng đêm về thì trở bệnh, cứ nôn ồng ộc ra máu, vào bệnh viện nửa tiêng chết. Chúng tôi đứng nhìn người bệnh sắp chết mà bất lực vì không can thiệp được. Trong khi đó, nếu được ghép gan thì những bệnh nhân này sẽ sống tốt, chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều”, TS Quyết nói.
 
“Sự hồi sinh của người bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng” - 2
Người đàn ông này đã may mắn giành lại sự sống trước căn bệnh suy tim giai đoạn cuối nhờ được ghép tim từ một người cho chết não. (Ảnh: BS Vinh)

Những ai có người nhà bị các bệnh về tạng như suy tim, suy gan, suy thận mới thấu hiểu nỗi mong ngóng của người bệnh về một điều kỳ diệu: có người hiến tạng để họ thoát khỏi cảnh “cái chết được báo trước”. Không có điều gì bi kịch hơn với những người bệnh này, họ nằm mỏi mòn chờ đợi và đều ra đi trong sự tuyệt vọng. Những con người đó sẽ không phải ra đi trong tuyệt vọng, nếu họ được ghép tạng, mà nguồn cho chính là người chết não.

“Một câu hỏi luôn thường trực trong đầu tôi, mỗi ngày tại Việt Đức có đến 5 – 7 người chết não, trong khi thực tế rất nhiều người đang nằm tại viện vì suy gan, suy thận, suy tim… đang chờ đợi được ghép để thoát khỏi cuộc sống lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió, có thể chết bất cứ lúc nào, vậy tại sao mình không ghép cho họ? Chúng tôi trăn trở, bệnh viện Việt Đức đầu ngành ngoại khoa, trên thế giới người ta đã ghép tạng từ người chết não từ hơn nửa thế kỷ nay, vậy tại sao chúng tôi không làm được để cứu người bệnh? Từ những trăn trở đó, những bức xúc rằng mình có khả năng làm được mà cứ để bệnh nhân chết, chúng tôi quyết tâm đăng kí bằng được đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não”, và chúng tôi đã làm được, chúng tôi không làm chỉ vì để thực hiện đề tài, mà là vì muốn cứu người bệnh”, TS Quyết chia sẻ.

Muôn vàn khó khăn

Quyết tâm là thế, nhưng để thực hiện được đề tài này, các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, có những lúc tưởng phải dừng đề tài vì không tìm được nguồn cho tạng từ người chết não, mặc dù, mỗi ngày, 5 – 7 người bệnh thiếu may mắn chết não từ bệnh viện Việt Đức chuyển về gia đình để an táng.

“Có kỹ thuật, tay nghề, phương tiện chuẩn bị đầy đủ, trang bị, lượng bệnh nhân chờ rất đông nhưng không có tạng. Khó khăn lớn nhất là vận động người nhà hiểu được để họ đồng ý cho tạng đó. Có những lúc vận động, cả thầy thuốc, gia đình bệnh nhân rơi lệ”, TS Quyết chia sẻ.

TS Quyết kể, có trường hợp em suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu, nếu không được ghép thận cũng sẽ chết sớm chỉ trong một vài năm nữa. Họ có anh ruột bị tai nạn chết não và để cứu người em khỏi cuộc sống lay lắt, khỏi tình trạng cái chết được báo trước, vợ và con của bệnh nhân này đã đồng ý để bệnh viện lấy thận ghép cho em. Nhưng rồi, chỉ một thành viên gia đình không đồng ý, cơ hội này đã vĩnh viễn dừng lại với chính người ruột thịt của họ.

Sau bao khó khăn, cuối cùng đề tài nghiên cứu cũng được triển khai thành công với 4 người chết não được gia đình đồng ý hiến tạng. Từ nguồn hiến tạng này, bệnh viện đã ghép tim cho một trường hợp, 2 người được ghép gan, 8 người được ghép thận, 2 người được ghép van tim và tất cả các ca ghép này đều thành công, người bệnh được ghép đã có một cuộc sống tốt hơn, không còn phập phù như ngọn đèn trước gió. Cuộc sống của bệnh nhân được ghép tim tại Hải Phòng, của người được ghép gan là một doanh nhân thành đạt tại Hà Nội… đã thực sự đổi thay. Họ có được một cuộc sống đúng nghĩa, rời xa giường bệnh, không phải thường trực ám ảnh về cái chết có thể đến lúc bất cứ lúc nào.
 
“Sự hồi sinh của người bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng” - 3
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân được ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở BV Việt Đức. (Ảnh: H.Hải)
 
Nhưng đến nay, điều làm PGS Quyết và các đồng nghiệp trăn trở nhất, là đã qua hơn 7 tháng trời kể từ ca ghép tạng từ người chết não đầu tiên bệnh viện vẫn chưa vận động thêm được trường hợp chết não nào nữa hiến tạng. “Để bao người bệnh từng hi vọng khi các bác sĩ Việt Nam ghép tạng từ người chết não thành công, mở ra cơ hội sống cho họ thì đến nay, những người bệnh đó vẫn đang mòn mỏi chờ đợi”, TS Quyết trăn trở.

Vậy làm thế nào để từ đề tài đi vào thực tế, để có thêm nhiều nhiều người bệnh nữa được cứu sống? Chính những điều này đã thôi thúc vị giám đốc này đem sản phẩm là đề tài nghiên cứu của bệnh viện mình đi dự thi, không phải với mục đích thể hiện đã hoàn thành đề tài nghiên cứu, mà chỉ đơn giản một điều, muốn xã hội biết nhiều hơn đến những co người giàu lòng nhân ái với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác.

“Đem đề tài này đi dự thi, chúng tôi không vì giải thưởng, không vì muốn thể hiện bản thân. Tôi rất vui mừng vì đề tài này của chúng tôi lọt vào vòng chung kết bởi khi báo chí nói về “sản phẩm” của chúng tôi, sẽ có thêm nhiều người dân, xã hội biết nhiều hơn đến những co người giàu lòng nhân ái với nghĩa cử cao đẹp đã hiến tạng để cứu sống những người bệnh khác. Chúng tôi chỉ muốn chuyển tải một thông điệp: “Cứu một người còn hơn xây 9 tòa tháp”, mình nhân ái cho đi, sẽ nhận được nhiều phúc của cuộc đời. Và quả thực, cả 4 gia đình đã đồng ý hiến nguồn tạng của người thân để cứu những người bệnh khác, diễn biến cuộc sống của họ đề rất thuận lợi và tốt đẹp. Chúng tôi, xã hội cũng luôn muốn chăm lo cho những gia đình vì lòng nhân ái đã hiến một phần thân xác cho y học, đã cứu được những người bệnh có được cuộc sống tốt đẹp hơn”, TS Quyết chia sẻ.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y