Sự cố DEHP - Thử thách với các cơ quan quản lý

Cơ quan quản lý và triệu triệu người tiêu dùng thực sự lo lắng khi phát hiện ra DEPH đã có thời gian dài có mặt trong một số thực phẩm đứng đầu danh sách thực phẩm ngon như siro, bánh quy...

Sự cố DEHP - Thử thách với các cơ quan quản lý - 1


 

Tình huống ngoài kịch bản

 

Cuối tháng 5, cơ quan y tế Đài Loan công bố phát hiện ra DEHP có trong một số sản phẩm nước giải khát. Theo đó, DEHP (Bis(2-ethylhexyl) phthalate là một hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt, không màu, tan trong dầu, không tan trong nước. Nó đã bị lén bỏ vào chất tạo đục, một loại phụ gia thực phẩm làm cho các sản phẩm nước ép trái cây, thạch, sữa chua... có màu sắc hương vị ngon hơn. Ví như nước ép trái cây chế biến theo quy trình công nghiệp khi được cho thêm chất tạo đục sẽ giúp sản phẩm đó có màu sắc gần với nước ép tự nhiên.

 

Lúc này, nguồn gốc của DEHP mới được truy tìm và được khẳng định là sản phẩm ra lò từ công ty Dục Thanh (Đài Loan), nhà sản xuất lâu năm, cung cấp rộng rãi chất tạo đục đến nhiều quốc gia thông qua các công ty buôn bán thứ cấp. Và nguyên nhân của những gian dối này là vì DEHP giúp làm giảm giá thành của phụ gia tạo đục hơn hẳn so với thành phần từ dầu cọ.

 

Vậy là sự cố DEHP đã trở thành mối bận tâm trong suốt những tháng qua và có sẽ là mối lo thường trực với cơ quan quản lý. Có thể nói, sau melamine, sự cố DEHP thực sự là thử thách đối với cơ quan quản lý trong việc ứng phó trước những sự cố về ATVSTP.

 

“DEHP đã góp mặt vào danh sách “sổ đen” những “đối tượng” nghi vấn, giám sát”, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, khẳng định.

 

Không thể chỉ là quan sát viên

 

Sự cố DEHP - Thử thách với các cơ quan quản lý - 2


Trên thực tế, lâu nay người dân vẫn thấy rằng, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thường chạy theo khi đã xảy ra sự cố. Với DEHP cũng vậy.

 

Theo ông Khẩn, việc phát hiện những sự cố về an toàn thực phẩm do nhà sản xuất gian dối là khó khăn, bởi nó là tình huống không thường xuyên. Trong khi phát hiện vi phạm vệ sinh thực phẩm cần một quá trình theo dõi, thậm chí chỉ khi xảy ra hậu quả thì mới được biết đến và truy tìm. Ví như vụ việc melamine trong sữa chỉ được biết sau khi có các trẻ em chết vì sạn thận; hoặc chất DEHP bị phát hiện khi nhà chức trách phát hiện một số mẫu nước uống trên thị trường có chất DEHP.

 

Tuy nhiên, “So với sự cố ngoài kịch bản melamine, chúng ta đã chủ động hơn nhiều cả về nắm bắt, cập nhật thông tin, truy nguyên nguồn gốc đến năng lực xét nghiệm. Ở trong nước, chúng ta đã bắt tay vào giám sát chủ động với việc thường xuyên lấy mẫu, xét nghiệm đối với các mặt hàng có nguy cơ cao”.

 

Theo đánh giá của ông Khẩn, hơn 1 năm qua, qua kênh giám sát chủ động, cơ quan quản lý đã cơ bản nắm được các nguyên nhân nào thường gây ngộ độc, thời điểm nào dễ xảy ra ngộ độc. Việc giám sát chủ động cũng giúp nhanh chóng tìm ra sự thực phía sau những “tin đồn” về các sản phẩm chứa đựng các yếu tố nguy cơ như: ruốc làm từ bã sắn dây, thực phẩm cho trẻ em nhiễm kim loại ...

 

“Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, giám sát chủ động vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam mới đang ở mức độ sơ khai. Tham gia hệ thống cảnh báo quốc tế INFOSAN mới chỉ là “thụ động” tiếp nhận thông tin chứ chưa đóng góp vào hệ thống cảnh báo”, ông Khẩn nói. Tuy nhiên, việc kết nối chặt chẽ với hệ thống cảnh báo của các nước và quốc tế cũng là khâu quan trọng giúp chúng ta ứng phó kịp thời hơn với các biến cố này khi sự cố đó có ảnh hưởng tới người tiêu dùng Việt Nam.

 

Ngay với DEHP, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có được thông tin rất sớm từ Cơ quan y tế Đài Loan và hệ thống cảnh báo quốc tế INFOSAN. Ngay lập tức Cục đã nhanh chóng chỉ đạo và tiến hành rà soát, kiểm tra danh mục sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam (các loại nước giải khát, phụ gia tạo đục...) có chứa chất gây hại trên. Việc tìm ra hàng chục mặt hàng chứa DEHP nhập khẩu vào Việt Nam được phát hiện là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ này.

 

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn chia sẻ: Qua sự cố vừa rồi chúng ta cũng có thêm một điều đáng phải để tâm, đó là tính công khai minh bạch về thông tin. Cơ quan y tế Đài Loan đã công khai rất rộng rãi về sự cố gian dối của Dục Thanh, cung cấp thông tin rất chính xác về các sản phẩm có nguy cơ đã vào Việt Nam giúp chúng ta kip thời ứng phó. Sự hợp tác này cũng đòi hỏi chúng ta nỗ lực nhiều hơn trong giám sát chủ động cũng như đóng góp vào hệ thống cảnh báo sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Theo Thành Nam

Sức khỏe & An toàn thực phẩm