Sốt xuất huyết gia tăng, 12 trường hợp tử vong

(Dân trí) - 8 tháng đầu năm 2015 cả nước ghi nhận gần 25 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh, thành với 12 trường hợp tử vong. Thời điểm hiện tại, bệnh đang gia tăng mạnh tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

1-sxh-ac4a5
Một trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Ảnh: Vân Sơn

Nguy cơ lây lan sốt xuất huyết trong trường học

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, so với các tháng đầu năm dịch SXH có tăng nhưng vẫn giảm hơn so với giai đoạn 2010 - 2014. dịch SXH đang gia tăng cục bộ tại một số tỉnh thành trong cả nước như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân trọ đông, nhà ở chật chội và có nhiều bình, dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Sốt xuất huyết thường phát triển theo chu kỳ 1 năm 1; mỗi năm có 1 đỉnh dịch, xuống-lên và đỉnh thường rơi vào tháng mùa mưa trước tháng 8,9 hoặc 10. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh.

“Tháng 9, tháng 10 cũng là mùa tựu trường trùng với đỉnh dịch của SXH nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan”, ông Bắc nói.

Trong khi đó, SXH là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt. Chưa kể, do không có miễn dịch lâu dài nên về lý thuyết, một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp SXH nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Trong khi đó, loại muỗi vằn truyền SXH là loại muỗi “siêu đẻ”. Trung bình vòng đời một con muỗi vằn sống được 2 tháng và trong thời gian đó nó có để đẻ 6 – 8 lần để trứng. Đây là lý do muỗi sinh sôi phát triển rất nhiều, nếu không có ý thức diệt ngay thời kỳ còn là bọ gậy, loăng quăng thì việc diệt muỗi để hạn chế SXH rất khó khăn.

“Trứng muỗi có đặc điểm bám vào thành chum vại sống đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước phát triển thành bọ gậy, loăng quăng rồi hình thành muỗi. Vì thế, muỗi thường sống trong nhà và xung quanh hộ gia đình, rất hiếm khi thấy muỗi sống môi trường xa nhà”, ông Bắc cho biết thêm.

Với tập quán, thói quen sinh hoạt của người Việt Nam như hay trữ lọ nước trong bình cắm hoa, lọ cây cảnh cây sống đời để tháng này qua tháng kia, khay nước điều hòa, cây tre phạt một nửa còn một ống chứa nước, lon nước ngọt vứt ngoài vườn tích tụ nước mưa… sẽ là môi trường lý tưởng  để muỗi sinh sôi phát triển.

Vì thế, việc quan trọng nhất là phải loại bỏ hoàn toàn môi trường để cho muỗi đẻ trứng (môi trường nước trong như trên, muỗi không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh nước đọng). Hãy đổ nước bình hoa, úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước ở vườn tược, thả cá vào bình chứa nước...Còn dụng cụ chứa nước thì còn muỗi đẻ trứng và còn sốt xuất huyết.

Không tự điều trị SXH tại nhà

Dù là bệnh lưu hành quanh năm, số lượng bệnh nhân mắc lớn nhưng Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh SXH tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà.

Bộ Y tế khuyến cáo trong mùa SXH hiện nay, người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến BV khám để được bác sĩ tư vấn, dặn dò theo dõi. Khi được bác sĩ dặn dò theo dõi dấu hiệu, tái khám người dân sẽ biết cách nhận biết tốt dấu hiệu nguy cơ, thời điểm cần đến BV khi bị SXH. Bởi thực tế tuy nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp SXH có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống paracetamol hạ sốt, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước chỉ khi có những diễn biến nặng mới nhập viện điều trị.

BS Trương Đình Bắc cho biết thêm, khi mắc SXH có ca nặng, có ca nhẹ nhưng nếu không xử lý tốt, chủ quan thì bệnh từ nhẹ có thể chuyển qua nhẹ rất nhanh. Bởi SXH ngoài sốt cao thì còn làm giảm tiểu cầu, gây nguy cơ chảy máu, gây sốc nguy hiểm cho người bệnh.

Đối tượng mắc bệnh cũng khác nhau ở hai miền Nam – Bắc. Khu vực miền Nam số trẻ mắc bệnh là nhiều hơn người lớn do trẻ hay chạy nhảy chơi đùa vườn tược, mặc hở bị muỗi đốt. Tuy nhiên việc phát hiện bệnh ở trẻ lại tốt hơn do khi có dấu hiệu sốt cao cha mẹ đều đưa con đi khám. Còn ở người lớn đa phần khi được chẩn đoán SXH thì vô cùng ngỡ ngàng chỉ nghĩ mình bị cảm sốt thông thường.

Để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình. Hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...). Thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...

BS Bắc cũng khuyến cáo, trong thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này để tự theo dõi và đến bệnh viện khám.

Hồng Hải