Sôi bụng do đâu?

(Dân trí) - Thưa bác sĩ, gần đây thỉnh thoảng bụng tôi lại sôi lên, đôi khi phát tiếng động rất rõ. Vậy xin cho hỏi nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do đâu? Và tôi có cần phải đến gặp bác sĩ?

Trả lời:

 

Những hiện tượng như đầy hơi, ợ chua, ợ nóng, khó tiêu hay sôi bụng, thường là những biểu hiện khá thường gặp. Phần lớn đây là những biểu hiện bình thường và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo như bạn mô tả, triệu chứng sôi bụng xảy ra đối với bạn đã khá lâu, và ngày càng có xu hướng xấu đi. Cho nên, trong trường hợp này, tôi khuyên bạn nên tới gặp bác sĩ để có những xét nghiệm và kết luận chính xác.

 

Triệu chứng sôi bụng thường xảy ra khi bạn cảm thấy đói, hay khi bạn ngửi hoặc trông thấy những món ăn hấp dẫn, lý giải cho điều này là do "phản ứng" của bộ não đối với hệ thống tiêu hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các cơ bụng và ruột bắt đầu hoạt động và tiết ra những dịch vị tiêu hóa. Những dịch vị tiêu hóa này tương tác với không khí và men tiêu hóa trong hệ thống của ruột và đa phần thì quá trình này diễn ra một cách "thầm lặng".

 

Cũng xin nói thêm rằng, nguyên nhân của chứng sôi bụng có thể là do:

 

- Áp dụng một chế độ ăn uống mới, đặc biệt nếu đó là chế độ ăn uống giảm hàm lượng calo hay hạn chế những dưỡng chất cần thiết.

 

- Do bạn không "hợp" với những loại thực phẩm như sữa, đậu, thực phẩm có nhiều chất xơ...

 

- Do việc thu nạp đồ uống có chứa cafein và cácbon hydrat.

 

- Do nuốt phải nhiều không khí. Hiện tượng này thường gặp khi bạn ăn quá nhanh, hay khi hút thuốc lá.

 

- Ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng đường lớn.

 

- Do tư thế ngồi, nằm.

 

- Do bụng bị nịt chặt, như khi dùng thắt lưng hay mặc quần chật.

 

- Do stress.

 

Nhìn chung, việc xuất hiện hiện tượng sôi bụng thì không nguy hiểm lắm đến sức khỏe. Bạn có thể khắc phục tình trạng này trong vòng từ 2 đến 3 tuần, bằng cách hãy ghi lại những loại thực phẩm và đồ uống bạn đã sử dụng, những phương thức tập luyện bạn đã từng áp dụng, bạn đã làm gì trước, trong và sau khi ăn. Bạn có bị stress, lo lắng hay buồn phiền về điều gì không? Bạn có thói quen bỏ bữa hay không? Để từ đó tìm ra nguyên nhân và cải thiện tình hình.

 

Khi tới gặp bác sĩ bạn cần chuẩn bị trước những câu trả lời cho các câu hỏi như:

 

- Gần đây bạn có thay đổi thói quên ăn uống hay không? Bạn thường có thói quen ăn nhanh hay ăn chậm?

 

- Bạn có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không?

 

- Bạn có bị đau bụng không?

 

- Có phải bạn đang thực hiện mục đích giảm cân?

 

- Việc đi cầu của bạn có gì bất thường không?

 

Thu Hà

Theo DA