Sinh mổ làm tăng nguy cơ tiểu đường ở trẻ

(Dân trí) - Sinh nở bằng phương pháp mổ ngày càng trở nên phổ biến và cùng với đó, là tỉ lệ trẻ em bị tiểu đường cũng tăng theo.

Sinh mổ làm tăng nguy cơ tiểu đường ở trẻ - 1


Theo các nhà nghiên cứu, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc tiểu đường tuýp 1 sẽ tăng gấp đôi tại Anh vào năm 2020, chưa tính số trẻ bị tiểu đường đã bước qua 5 tuổi.

 

Cuộc sống hiện đại được cho là một trong những nguyên nhân. Những đứa trẻ là con của các bà mẹ lớn tuổi hoặc bà mẹ chọn phương pháp sinh mổ sẽ có nguy cơ lớn hơn. Ngoài ra, ăn ở quá sạch sẽ (cơ thể ít tiếp xúc, thích ứng với các loại siêu vi trong môi trường) cũng được cho là 1 yếu tố.

 

Lên cân nhiều và cao nhanh trong suốt giai đoạn dưới 7 tuổi và phát triển nhanh trong năm đầu đời cũng được cho là yếu tố góp phần, theo báo cáo khoa học được đăng tải trên tạp chí Y học The Lancet.

 

Kết luận trên được rút ra từ việc phân tích dữ liệu từ 17 nước châu Âu trong giai đoạn 1989 - 2003 (thời điểm mà mỗi năm số bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 mới phát hiện tăng 4% và tăng nhiều nhất là ở nhóm tuổi 0 - 4 tuổi).

 

TS Chris Patterson, ĐH Queen, Belfast, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sự gia tăng tỉ lệ bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 không thể chỉ là do yếu tố gen. Các yếu tố môi trường chắc chắn cũng liên quan. Chúng ta đều biết rằng trẻ sinh ra từ những bà mẹ lớn tuổi luôn có nguy cơ cao hơn. Có khoảng 20% trẻ sinh mổ có nguy cơ này. Tăng cân quá nhanh trong năm đầu đời cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 1. Trong khi đó, cho con bú lại giúp giảm nguy cơ”.

 

Ngoài ra, một số yếu tố môi trường khác cũng làm xu hướng mắc tiểu đường tuýp 1 tăng như trẻ quá được giữ gìn, ít được “cọ sát” với các siêu vi. “Tiểu đường tuýp 1 có liên quan rất chặt chẽ với sự phát triển của hệ miễn dịch, khi hệ miễn dịch quá “nhạy”, cơ thể sẽ tự ngừng sản xuất insulin như một cách phòng vệ. Tất nhiên, đây là những trường hợp rất hiếm gặp”, TS Chris nói.

 

TS Iain Frame, Giám đốc TT Nghiên cứu Tiểu đường Anh, nhận xét: “Những số liệu cho thấy tỉ lệ trẻ mắc tiểu đường tuýp 1 gia tăng là hết sức đáng lo ngại. Trẻ bị tiểu đường tuýp 1 cũng nhanh chuyển sang giai đoạn biến chứng với các bệnh như giảm gluco huyết (khiến não không đương cung cấp đủ năng lượng) hay nhiễm xeton-axit đái đường (axit trong máu cao) và các bệnh này đều đòi hỏi phải điều trị, theo dõi tốn kém tại bệnh viện.

 

TS Frame cho rằng sự gia tăng nguy cơ ở trẻ là đáng báo động. Nếu chúng ta không thể tác động tới gen thì cần phải tác động tới môi trường để làm giảm tỉ lệ này. Một trong những tác động đó là hạn chế sinh mổ, không để trẻ quá tăng cân quá nhanh hay không tăng cân trong một thời gian dài...

 

“Tuy nhiên, cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi có thể đưa ra những kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 ở trẻ”, TS Frame thận trọng cho biết.

 

Thu Uyên

Theo Dailymail