“Siêu thấm” là… siêu hạng?

“Bác sĩ có thấy các loại băng vệ sinh “có cánh super” bây giờ loạn lên trong các chương trình quảng cáo? Cái nào cũng “siêu” nhưng “siêu” cỡ nào thì đủ?…”. (Nhơn Hòa - Học sinh, TPHCM)

Tuy mang lại ít nhiều phiền toái nhưng đừng quên kinh nguyệt là một hiện tượng không thể thiếu liên quan đến thiên chức thiêng liêng nhất của người phụ nữ, do vậy thật không công bằng khi ngại tìm hiểu  về nó.

 

Tâm lý muốn thoát nhanh sự khó chịu khiến nhiều bạn gái rất thích chọn loại băng vệ sinh (BVS) thấm hút nhanh, trong khi gần đây người ta đã cảnh báo về sự xuất hiện ngày càng nhiều của hội chứng sốc nhiễm độc do dùng BVS siêu thấm (triệu chứng gồm sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, nổi mảng đỏ như bỏng nắng..).

 

Trớ trêu ở chỗ sau khi hút hết dịch kinh nguyệt, công suất thừa sẽ… hút luôn những chất dịch vô can nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc giữ ẩm và tạo môi trường kháng khuẩn cho âm đạo. Hậu quả của sự “tài lanh”này chẳng những làm khô, loét mà tai hại hơn đã “giải giới” chức năng chống đỡ của âm đạo trước sự đột kích của những tác nhân có hại. Trong số này kẻ đục nước béo cò nguy hiểm nhất  là vi khuẩn Staphylococus aureus có thể sinh độc tố lần theo hệ tuần hoàn gây hội chứng nhiễm độc toàn thân.

 

Cẩn tắc vô áy náy, các bạn gái trẻ khi chọn BVS tốt nhất chỉ  nên căn cứ vừa đủ theo lượng kinh nguyệt của riêng mình và nên bắt đầu từ loại có độ thấm vừa phải rồi thăm dò dần lên. Trung bình một miếng băng sau bốn giờ mới đầy thì có thể tạm an tâm không có chuyện “quân ta bắn quân mình”,  ngược lại mới 1-2 giờ mà đã “bão hòa” thì có lẽ bạn đã chọn phải loại băng quá “tham công tiếc việc” vượt mức cần thiết rồi.

 

Nên chịu khó sử dụng vài loại băng có độ thấm hút khác nhau phù hợp với sự biến đổi của lượng dịch tiết ra trong ngày (hay tùy theo sự đột biến của kỳ kinh như rong, nhiều, ít...). Không nên “khoán” trọn gói cho một miếng băng dùng từ sáng đến tối. Tốt nhất sau 4-5 giờ thay một lần. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu nhiễm độc nói trên cận kề kỳ kinh  nên điều trị sớm để ngăn nhiễm trùng lan ra toàn thân.

 

Tuy vậy, cũng cần lưu ý tình huống ngược lại: nếu dùng BVS có độ thấm không đủ hay chủ quan phó mặc cho mỗi một miếng băng xoay trở suốt 24 giờ không chịu thay (hầu như không có loại BVS nào ưu năng đến vậy) thì hậu quả tai hại không kém.

 

Tình trạng ứ đọng dịch kinh nguyệt trong lòng tử cung lâu ngày có thể là căn nguyên gây chứng lạc nội mạc tử cung (lớp nội mạc thay vì phát triển trong lòng dạ con lại đầu tư  nhầm “địa chỉ” ở buồng trứng, vòi trứng hay thậm chí lạc xa đến vùng chậu). Đây là một trong những thủ phạm gây vô sinh vì trứng thụ tinh nếu có sẽ không còn chốn dung thân như lệ thường.

 

Tóm lại, công nghệ quảng cáo có mục đích riêng của họ, còn việc bảo vệ sức khỏe bản thân, em và các bạn gái khác nên tỉnh táo tự lo cho mình.

 

Theo Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

Ykhoa.net