Luật BHYT có hiệu lực:

Sẽ điều chỉnh dần các vướng mắc

(Dân trí) - Mặc dù mới là ngày đầu tiên Luật BHYT có hiệu lực nhưng qua 3 tháng thí điểm tại bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức (Hà Nội), Luật đã bộc lộ một số bất cập. Theo đó, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh để BHYT thực sự hướng tới toàn dân.

Sẽ điều chỉnh dần các vướng mắc - 1
Người bệnh rất quan tâm đọc những hướng dẫn về Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/10/09 tại Khoa Khám bệnh -BV Bạch Mai (Ảnh: H.Hải)
 
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo khó thực hiện cùng chi trả

“Nếu thực hiện việc cùng chi trả, áp 5% với những bệnh nhân nghèo thì sẽ có rất nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh mãn tính như chạy thận… sẽ phải bỏ điều trị. Trong khi đó, bỏ một lần lọc thận thì đã rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh”, BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng khoa Chạy thận nhân tạo (BV Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về việc thực hiện Luật BHYT tại BV Bạch Mai sáng nay (1/10 - thời điểm Luật BHYT chính thức có hiệu lực).

BS Dũng cho biết, hiện tại Khoa Thận nhân tạo luôn có khoảng 480-520 bệnh nhân chạy thận, trong đó, đối tượng phải cùng chi trả 5% chi phí điều trị là khoảng trên 300 người. Trong số này, có 250 bệnh nhân là đối tượng nghèo, để thu 5% phí điều trị, dù chỉ khoảng 400-450.000đ/tháng thì cũng rất là khó khăn. Có rất nhiều trường hợp 2-3 người thân trong một gia đình đều phải chạy thận. Hiện có tới 7 cặp là cha con - chị em cùng đang chạy thận tại khoa. Họ từ các vùng quê thuê trọ để chạy thận, đã nghèo, cơm không còn đủ ăn. Nếu họ không có tiền, chỉ cần nghỉ 3 buổi chạy thận là nguy cơ tử vong rất cao.

Luật BHYT quy định, bảo hiểm sẽ miễn phí 100% với trẻ dưới 6 tuổi (nếu khám đúng tuyến); người có công; một số đối tượng thuộc lực lượng công an nhân dân; khám, chữa bệnh tại tuyến xã và chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (97.500 đồng). Các trường hợp còn lại người bệnh sẽ phải đồng chi trả 5% hoặc 20% chi phí tùy theo từng đối tượng.

Cùng quan điểm này, BS Viễn Văn Đoan cho rằng việc thực hiện cùng chi trả rất khó khăn. Trong thời gian 3 tháng thí điểm thực hiện Luật BHYT tại BV Bạch Mai, đã có nhiều trường hợp do bệnh nhân không có đủ tiền thực hiện cùng chi trả, bệnh viện đã phải giữ lại thẻ BHYT của người bệnh, khi nào họ có tiền thanh toán sẽ trả lại. Nhưng thực tế, giá trị một chiếc thẻ BHYT chỉ có hơn 100 ngàn đồng nên rất nhiều người bệnh không quay lại lấy. Nhất là với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đây là đối tượng rất nhạy cảm nếu áp quy định này. Họ gần như cả đời gắn với bệnh viện, đã mất sức lao động, lại thêm người chăm nom nên kinh tế rất khó khăn nên dù áp mức chi trả thấp nhất (chỉ 5%) nhưng với họ hầu hết đều không có khả năng.

TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho rằng: "Nếu bỏ mức cùng chi trả 5% thì sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều cho bệnh viện. Vì việc thu 5% chi phí khám chữa bệnh với những đối tượng này là rất khó, phần lớn, họ đều là những người nghèo, cán bộ hưu trí… Khi thực hiện quy định này, người bệnh có thể do vượt quá khả năng chi trả mà trốn viện bỏ về không điều trị, còn phía bệnh viện thì cũng không đủ thẩm quyền trả khoản cùng chi đó của người bệnh.

Ngoài ra, nhiều vấn đề vướng mắc của Luật BHYT mới cũng được đề cập. Như với các ca tai nạn giao thông nhập viện, Luật BHYT quy định, chỉ những trường hợp không vi phạm luật giao thông mới được BHYT thanh toán. Nhưng có thể khẳng định, 100% các ca tai nạn vừa mới nhập viện thì không thể khẳng định ngay họ có vi phạm luật giao thông hay không nên vẫn phải thu viện phí. Trong 3 tháng thí điểm vừa qua, rất nhiều bệnh nhân thắc mắc về quy định này. Dù sau khi chứng minh được là không phạm luật giao thông bệnh nhân sẽ được trả lại tiền nhưng quy định này ít nhiều gây khó khăn cho người bệnh trong việc có đủ số tiền nộp viện phí ngay vì tai nạn vốn rất bất ngờ.

Về vấn đề này, nhiều bác sĩ của bệnh viện Việt Đức, cơ sở hàng đầu về cấp cứu các ca tai nạn giao thông cũng cho rằng sẽ rất khó xác định xem một người có vi phạm luật giao thông hay không, trừ trường hợp người này nhập viện mà vẫn có mùi cồn.

Hay như với trẻ em trên 72 tháng tuổi nhưng chưa đến tuổi đi học thì khi đi khám bệnh không được miễn phí, do vậy, các bé này bắt buộc phải mua thẻ BHYT tự nguyện. Chỉ những trường hợp cận nghèo, nghèo… sẽ được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước.

Sẽ dần điều chỉnh

Trước những băn khoăn trên, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Nếu quá trình thực hiện có vướng mắc thì báo cáo với Bộ Y tế để dần điều chỉnh".
 
Qua kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT tại các bệnh viện, Thứ trưởng Xuyên ghi nhận các BV đã có những cải tiến tích cực để phục vụ người bệnh tốt nhất. BV Bạch Mai đã thay đổi, bố chí phòng khám theo hệ thống một chiều, giải quyết được vấn đề chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện cũng thay đổi, bố trí khám sớm từ 6h30, phát tờ rơi hướng dẫn chi tiết cho người bệnh... Còn tại BV Nhi TƯ sẽ thực hiện chế độ khám một cửa. Thay vì phải đến 2,3 nơi để thu tiền, nhận sổ... như trước đây, bệnh nhân chỉ cần đến một cửa để trình giấy tờ, nhận phiếu rồi đi khám. Bệnh viện cũng tăng cường 25-35 buồng bệnh và tổ chức riêng khu vực khám cho bệnh nhân có bảo hiểm. Thứ 7, Chủ nhật bệnh viện cũng tổ chức 8 phòng khám….
 
Sẽ điều chỉnh dần các vướng mắc - 2
Người bệnh BHYT tới viện không còn phải chen chúc, chật chội vì không có chỗ ngồi (Ảnh: H.Hải)

Về ý kiến đề xuất của bệnh viện Bạch Mai, cho rằng có nên thực hiện mức trần trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện loại 1, hạng đặc biệt hay không? Vì nếu theo quy định, nếu đang điều trị ở khoa này mà cần chuyển sang khoa khác, trong khi đó mức trần đã hết thì dễ sẽ xảy ra tình trạng “lách luật”, cho bệnh nhân xuất viện, sau đó lại nhập lại điều trị để thoát mức trần. Cũng như băn khoăn của các bác sĩ trong việc áp cùng chi trả với bệnh nhân nghèo, bà Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT Không thể bỏ mức trần và cùng chi trả vì đây là nội dung luật quy định, liên quan chặt đến việc quản lý, kiểm soát nguồn quỹ. Trong khi đó, đang hướng tới BHYT toàn dân, có nghĩa là nguồn chi tài chính cho khám chữa bệnh chủ yếu là nguồn từ quỹ BHYT. Từ thời điểm này, Vụ BHYT cũng sẽ lấy thông tin tổng hợp từ BV Bạch Mai trong thời gian thực hiện hai quy định này để có thể rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp.

Còn về việc xác định nguyên nhân tai nạn giao thông, sắp tới Bộ Y tế sẽ làm việc với BHXH để bàn về việc thành lập bộ phận giám định ở bệnh viện, đây sẽ là nơi xác định cho người bệnh có phạm luật hay không.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng TS Xuyên chỉ đạo dù khó khăn đến mấy cũng tuyệt đối không để người bệnh vì không có khả năng cùng chi trả mà không được điều trị. Các bệnh viện phải khắc phục, hướng dẫn để người dân hiểu và hưởng ứng.

Hồng Hải