Sau lũ, ăn gì để tránh bệnh?

Trận lũ lịch sử vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo dự báo, thời gian tới, tình hình mưa lũ còn nhiều diễn biến phức tạp, các dịch bệnh trong và sau mùa mưa lũ có nguy cơ bùng phát nếu ăn uống không đúng cách.

Sau lũ, ăn gì để tránh bệnh? - 1

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa lũ. Ảnh: V.Vũ

Hạn chế ăn rau sống

Sau mưa, bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Mưa bão và ngập úng cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh, đặc biệt là những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai. Theo các chuyên gia, môi trường này có nguy cơ làm gia tăng một số bệnh như sốt xuất huyết, cảm cúm, đau mắt đỏ, các bệnh về hô hấp, các bệnh về da, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.

Trong đó, bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột là nhóm bệnh đáng lo ngại nhất. Các loại bệnh về đường ruột do vi khuẩn (E.coli, tả, lỵ, thương hàn), bệnh tiêu chảy do E.coli (trực khuẩn đại tràng) thường hay gặp, nhưng đáng sợ nhất là bệnh tiêu chảy cấp bởi lỵ trực khuẩn hoặc bệnh do vi khuẩn thương hàn, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Các loại bệnh này nếu không phát hiện sớm, có biện pháp chữa trị, cách ly kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan thành dịch.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa bão do người dân sử dụng phải nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Trong đó, theo TS. BS Nguyễn Thị Việt Hà, trẻ em đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh tiêu chảy vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém dẫn đến đường tiêu hóa của trẻ chưa phát triển ổn định. Do đó, khi thức ăn bị nhiễm khuẩn, chúng sẽ tấn công hệ miễn dịch còn yếu của trẻ, khiến trẻ bị bệnh.

Trong mùa mưa bão, việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày là vô cùng cần thiết. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý chọn mua các loại thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh, nhất là đối với các loại thủy, hải sản vì nguy cơ bị nhiễm bệnh do nguồn nước sau mưa bão ô nhiễm rất cao. Tốt nhất nên mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch, uy tín. Tránh mua các thực phẩm đã để lâu, không rõ nguồn gốc. Nên hạn chế ăn các loại rau sống vì đây là nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm giun sán rất cao trong mùa mưa bão, nhất là những loại rau được trồng ở những vùng nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Phải ngâm, rửa sạch rau dưới vòi nước hoặc khử trùng bằng máy rửa rau quả chuyên dụng trước khi sử dụng. Khi chế biến thức ăn, cần đảm bảo vệ sinh chân tay và dụng cụ nấu nướng sạch sẽ. Đảm bảo đồ ăn được nấu chín để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Không dùng thực phẩm đã bị ẩm, mốc, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất nên buộc kín để tránh hơi ẩm và mang ra phơi lại khi trời nắng ráo.

Phòng “nước ăn chân”, đau mắt đỏ

Trong mùa mưa bão thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ thay đổi nhanh chóng, mưa bão bất thường kéo dài, độ ẩm gia tăng, mưa nhiều… nếu không kịp thích nghi, con người rất dễ bị cảm lạnh, cúm, nhiễm lạnh dẫn đến hiện tượng viêm họng, ho, sổ mũi, nhức đầu…

Ngoài ra, bệnh da liễu cũng là bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Các bệnh này bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da… Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyên người dân không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn, không mặc quần áo ướt. Hạn chế tối đa lội vào chỗ nước bẩn. Nếu vì lý do nào đó phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, đặc biệt là các kẽ ngón chân, tay sau đó bôi ngay thuốc đỏ hay thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.

Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện do dùng nước bị nhiễm bẩn các loại vi sinh vật, trong đó có các virus gây bệnh đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ... Vì vậy cần thường xuyên tắm và rửa mặt bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn để phòng bệnh đau mắt và bệnh ngoài da, không dùng chung khăn mặt, khăn tắm. Tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn cần được tra thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol 0,4%.

Ngành Y tế chủ động "đón đầu" ngăn chặn dịch bệnh

Sở Y tế các tỉnh miền Trung đã kịp thời ban hành những công văn tới cơ sở để giúp người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ.

Tại Hà Tĩnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có những biện pháp quyết liệt giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện, dự báo sớm tình hình dịch bệnh nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để dịch lan rộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn xử lý nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, phương tiện phục vụ công tác xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Tăng cường khám sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm để cách ly và phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Theo Thu Nguyên

Gia đình & Xã hội