Sẵn sàng ứng phó khi bùng phát dịch tay chân miệng

(Dân trí) - Trước dịch tay chân miệng nóng bỏng, với số ca mắc mới mỗi tuần lên tới trên 2.000 ca, thời điểm dịch tăng mạnh (tháng 9-11 hàng năm) sắp tới, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng, đủ khả năng ứng phó nếu dịch lớn xảy ra.

Tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày hôm nay (18/8) đã kí chỉ thị về việc tăng cường phòng dịch tay chân miệng trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ 30% gia đình dùng Cloramin B

 

TPHCM đã chi 20 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch TCM nhưng thực tế công tác phòng bệnh vẫn “nửa vời”. Tại buổi họp khẩn cấp với đại diện của Trung tâm Y tế 24 quận huyện chiều 17/8, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận: “Điểm hạn chế lớn nhất trong phòng chống dịch của thành phố là việc truyền thông, hướng dẫn của nhân viên, cán bộ y tế không tốt nên người dân không hiểu, không sử dụng hóa chất diệt khuẩn Cloramin B, hoặc sử dụng không hiệu quả”.

 

Thực tế cho thấy tỷ lệ các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi sử dụng hóa chất Cloramin B chỉ đạt khoảng 30%. Đó là nguyên nhân chính tạo điều kiện thuận lợi cho dịch TCM bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Theo Bộ Y tế, không riêng tại Việt Nam mà những năm qua, dịch bệnh tay chân miệng đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Như tại Trung Quốc, năm 2009 ghi nhận 1.155.525 trường hợp mắc, 353 trường hợp tử vong, năm 2010 có 1.085.241 trường hợp mắc, 260 trường hợp tử vong…

Tại Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 52 tỉnh thành phố, trong đó đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Số mắc gia tăng liên tục từ tháng 5/2011, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam, miền Trung và một số tỉnh miền Bắc. Đây là năm có số mắc, chết cao nhất từ trước tới nay. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Dự báo trong các tháng cuối năm 2011, tình hình mắc bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu các tỉnh, thành phố không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, triệt để.
 
Vì thế, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng có hiệu quả, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong, không để dịch lớn xảy ra, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng kéo dài.
 
Sẵn sàng ứng phó khi bùng phát dịch tay chân miệng - 1
Số ca mắc tay chân miệng năm nay tăng gấp hơn 5 lần năm ngoái. Số tử vong cũng cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: Vân Sơn)
 

Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B. Thống kê phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung hoạt động phòng chống dịch có hiệu quả;

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn quản lý chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị... để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân, đặc biệt chú trọng phân tuyến điều trị, bảo đảm thu dung điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn, dịch kéo dài. Thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
 

EU viện trợ 60.000 euro cho các nạn nhân bệnh tay-chân-miệng

 

Liên Minh Châu Âu (EU) đã quyết định viện trợ 60.000 euro từ nguồn đóng góp cho Quỹ Khẩn cấp Cứu trợ Thiên tai để Liên đoàn các Tổ chức Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế giúp đỡ những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nạn dịch ở 75 xã tại Việt Nam.

 

Gói cứu trợ này sẽ được chuyển tới Hội Chữ Thập đỏ Việt nam để trợ giúp hơn 113.000 người, cùng với các công tác truyền thông nhằm kiểm soát và phòng trừ bệnh chân, tay, miệng, và tập trung vào công tác vệ sinh.

 

Các cha mẹ và những người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi, các giáo viên và học sinh tiểu học sẽ là đối tượng của chương trình cứu trợ. Chương trình sẽ được triển khai tại 75 xã ở 5 tỉnh thành: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thanh Hóa khi các em học sinh quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè vào tháng 8 và kéo dài đến tháng 11.

 
Hồng Hải - Vân Sơn - Thảo Nguyên