Sai sót trong thống kê bệnh tay chân miệng?

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 1 tháng 6 ngày (23/8-29/9) đã có thêm 25.000 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với 8 tháng đầu năm và không “giảm ở mức độ chậm” như các báo cáo cũng như sự tự tin “đã kiểm soát” tình hình của các địa phương.

 

Sai sót trong thống kê bệnh tay chân miệng?  - 1

Số ca mắc và tử vong do bệnh TCM theo tuần trong năm 2011
 

Ca bệnh tăng vọt

 

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến hôm 20/8 giữa Bộ Y tế và tám địa phương có số mắc bệnh tay chân miệng cao như TPHCM, Bà Rịa -  Vũng Tàu, Đồng Nai, Đồng Tháp, Thanh Hóa..., một trong những lý do khiến các địa phương cho rằng chưa đến thời điểm công bố dịch bệnh là bệnh trong tầm kiểm soát, số mắc không tăng tuy vẫn giữ ở mức cao.

 

Thực tế ngược lại. Theo báo cáo của Bộ Y tế ba ngày sau cuộc giao ban trực tuyến, đến ngày 23/8 toàn quốc ghi nhận 35.623 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 83 ca tử vong. Nhưng đến ngày 15/9, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cho biết số mắc bệnh tay chân miệng đã lên đến... 52.321 trường hợp, 109 ca tử vong, tăng vọt tới 17.000 trường hợp trong chưa đầy một tháng.

 

Xem biểu đồ, bệnh tay chân miệng gia tăng từ tuần 20 (khoảng tháng 5/2011) và tăng cao nhất ở tuần 27 (khoảng tháng 7-2011) với gần 2.500 ca mắc, hiện đứng ở mức cao với trên 2.000 ca mắc/tuần. Nếu trên 2.000 ca mắc/tuần thì một tháng chỉ có thêm 8.000 bệnh nhân tay chân miệng mới, vậy con số 17.000 bệnh nhân mới trong chưa đầy một tháng ở đâu ra?

 

Thống kê từ tuần thứ 27 trở lại đây, chưa tuần nào số mắc bệnh tay chân miệng đạt mức 2.500 ca/tuần, thế nhưng chỉ trong 8 ngày, từ 15/9 (báo cáo Thủ tướng Chính phủ) đến 23/9, số mắc bệnh tay chân miệng đã vọt lên trên 57.000 ca mắc, tăng hơn 5.000 ca mắc mới. Đến 29/9, số mắc bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm một lần nữa lại vọt lên chóng mặt, lên 61.805 trường hợp, trong khi số mắc được thống kê trong tuần chưa đầy 2.100 trường hợp. Rõ ràng đang có những “nhầm lẫn” trong thống kê dịch bệnh tay chân miệng?

 

Thật sự “kiểm soát” được?

 

Trao đổi với phóng viên hôm 5/10, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho rằng con số hơn 2.000 ca mắc/tuần là báo cáo nhanh từ các viện chuyên môn hằng tuần, còn con số tổng hợp tích lũy từ đầu năm là báo cáo trong tháng, tổng hợp cả các ca còn sót chưa được tính trong báo cáo nhanh hằng tuần.

 

Ông Bình cho biết báo cáo tháng có bổ sung ca mắc còn sót, do tháng nào cũng bổ sung nên các so sánh vẫn dựa trên báo cáo tuần. Với con số trên 25.000 ca mắc tích lũy trong một tháng sáu ngày vừa qua, ông Bình cho biết do sự gia tăng bệnh nhân ở các tỉnh miền Bắc, còn các địa phương trọng điểm dịch tay chân miệng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... lại đang giảm số mắc.

 

Ông Bình cũng cho rằng điều kiện công bố dịch không phải là “vu vơ” mà dựa trên những điều kiện có thể đong đếm được. Các địa phương đều đã nắm rõ các điều kiện trong quyết định 64 của Thủ tướng về điều kiện công bố dịch. “Bệnh chưa có vắc-xin phòng chống dịch dựa chủ yếu vào nhận thức và hành vi vệ sinh của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Khi đi khảo sát ở TPHCM gần đây, tôi thấy công tác truyền thông chống dịch đã quyết liệt hơn, gắn với trách nhiệm của từng tổ dân phố, tốt hơn so với tháng 7-8”, ông Bình cho biết.

 

Tuy nhiên, trong tình hình số bệnh nhân tay chân miệng gia tăng quá nhanh trong hơn một tháng qua, rất nên tách riêng đâu là số mắc bổ sung của từng địa phương, đặc biệt ở các địa phương trọng điểm, nhằm xác định chính xác sự tăng - giảm số mắc bệnh tay chân miệng và hiệu quả chống dịch thời gian qua.

 

Xu hướng tăng ở tỉnh

 

Sai sót trong thống kê bệnh tay chân miệng?  - 2

Tỉ lệ mắc bệnh (trái) và tử vong do TCM theo vùng đến tuần thứ 39

Tỉ lệ mắc bệnh tay chân miệng theo vùng đến tuần 39/2011 (trái) và tỉ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng theo vùng đến tuần 39/2011- (Nguồn: Báo cáo tình hình bệnh tay chân miệng trên toàn quốc của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) - Đồ họa: NHƯ KHANH

 

Ngày 4/10, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết gần đây số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TPHCM chững lại, trong khi đó số trẻ mắc bệnh này ở các tỉnh nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 có xu hướng tăng, nhiều ca nặng. Vừa qua, mỗi ngày khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 140-150 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị. Bác sĩ Trương Hữu Khanh dự báo số trẻ mắc bệnh tay chân miệng vẫn có xu hướng tăng đến cuối năm nay.

 

Bác sĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng cho biết số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP.HCM nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 chững lại, nhưng số bệnh nhi mắc bệnh này từ các tỉnh chuyển đến lại có xu hướng tăng. Hiện mỗi ngày tại đây cũng có 140-150 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị.

 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện mỗi tuần tại TPHCM có 250-300 ca mắc bệnh tay chân miệng, con số này đã giảm gần một nửa so với lúc cao điểm cuối tháng 6 là hơn 500 ca/tuần.

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ