Rượu ngâm rễ cây: Bổ đâu chưa thấy, coi chừng bổ ngửa

Thời gian gần đây, có khá nhiều ca bị ngộ độc thậm chí tử vong chỉ vì uống rượu thuốc ngâm từ các loại rễ, thân, lá cây được truyền miệng là “có tác dụng bồi bổ”...

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh, thì ba kích, mật nhân hay đinh lăng (những loại cây thường được dùng để ngâm rượu)… đều là những cây thuốc có tên trong nhóm dược liệu “bổ dưỡng, trị đau mỏi cơ khớp” trong các sách thuốc Việt Nam. Các dược liệu này cũng có trong các bài thuốc Đông y trị bệnh suy nhược cơ thể sau bệnh nặng, suy giảm sức đề kháng, suy nhược khả năng tình dục, thoái hóa cột sống – khớp…

Rễ cây thuốc dùng ngâm rượu được bán rất nhiều ở vỉa hè.
Hình minh họa
Rễ cây thuốc dùng ngâm rượu được bán rất nhiều ở vỉa hè. Hình minh họa

Tuy nhiên, theo BS Năm, với tình trạng những cây thuốc được bán tràn lan trên mạng, ngoài vỉa hè như hiện nay thì vấn đề đặt ra là làm sao nhận biết được đâu là cây thuốc thật, đâu là cây thuốc giả được bán tạp nham nếu người mua không phải là thầy thuốc y học cổ truyền.

Về việc nhiều người dùng rượu thuốc ngâm từ rễ, thân, lá cây thuốc bị ngộ độc, BS Năm cho rằng rượu thuốc từ lâu được dùng trong y học để trị một số bệnh, và với nồng độ thấp, đưa vào cơ thể với liều vừa phải sẽ có tác dụng trị liệu. Tuy nhiên, nếu đưa vào cơ thể với liều lượng lớn, khi bụng đói, hoặc người có bệnh lý gan, thận, tim mạch…sẽ có ảnh hưởng xấu đến cơ thể thậm chí gây ngộ độc.

“Chỉ khi nào cơ thể bị suy giảm ở một bộ phận nào đó thì mới cần bồi bổ. Nếu không suy giảm thì thực sự là không cần phải uống thuốc bồi bổ. Tốt nhất là khi không cần thiết thì không nên chọn dùng rượu thuốc để trị bệnh. Cạnh đó, không tự ý chọn ngâm cây thuốc loại gì mà không có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa”, BS Năm khuyên.

Cũng theo ý kiến BS Năm, khi uống các loại rượu ngâm rễ, thân, lá cây không rõ nguồn gốc, không đúng cách, không đúng bệnh có nhiều khả năng người uống sẽ bị ngộ độc. Dấu hiệu ngộ độc dễ nhận biết là nôn ói, đau đầu, chóng mặt, run tay chân, co giật, hôn mê.

“Nếu phát hiện bị ngộ độc sớm và không nặng, có thể cho uống nước trà gừng pha đường ấm, nước rau má xay… Trong trường hợp bị ngộ độc nặng (co giật, mất ý thức) thì phải nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời”, BS Năm cho biết thêm.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM