Rùng mình với thực phẩm sản xuất thủ công

Hàng loạt những lo lắng của người tiêu dùng đã được đưa ra tại hội nghị khoa học về kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (lần thứ nhất) tổ chức tại Hà Nội trong ngày 16/12.

Năm 2010, trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm đã khảo sát tại làng nghề Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi chuyên sản xuất miến dong, bún khô và phở khô. Kết quả kiểm tra khiến nhiều người rùng mình: 15% các cơ sở sản xuất đều có chuồng heo nằm kế bên; 100% sản phẩm được phơi bằng phên tre bên lề đường bụi bặm và gần cống rãnh thoát nước thải không có nắp đậy; 60% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc với mùi khó chịu đều được chứa trong các bao tải và chất đống mất vệ sinh; hơn 50% hộ dùng chất tẩy trắng bột bằng natri hydro sulphat, axit HCL, thuốc tím và 50% số hộ dùng phèn chua để làm dai bột; tất cả người sản xuất trong làng nghề này đều chưa được tập huấn qua lớp vệ sinh an toàn thực phẩm; ít người đi khám sức khoẻ định kỳ theo quy định...

 

Viện Công nghệ sinh học - thực phẩm (đại học Bách khoa Hà Nội) vừa tiến hành khảo sát ba cơ sở sản xuất nem chua ở Hà Nội. Kết quả cho thấy dù thịt dùng trong sản xuất nem chua được sử dụng ngay sau khi mổ nhưng vẫn là nguồn tạp nhiễm chủ đạo. Bà Đỗ Thị Nhung, viện Công nghệ sinh học - thực phẩm, cho biết, nguồn tạp nhiễm này chứa một số lượng lớn những loài gây bệnh (đặc biệt là S.aureus và E.coli). Từ đó, kéo theo chất lượng không đảm bảo ở sản phẩm nem chua cuối cùng. Quá trình xử lý nguyên liệu, phối trộn và bao gói trước khi lên men làm tăng khả năng tạp nhiễm, đặc biệt là vi khuẩn B.cereus (gây nôn, tiêu chảy). Theo bà Nhung, quá trình lên men lactic không thể loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh.

 

Theo TS Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra nhưng lực lượng còn thiếu nên thực phẩm mất vệ sinh vẫn tồn tại. Hơn nữa, công nghệ chế biến thực phẩm ngày càng phát triển đòi hỏi công nghệ xét nghiệm phải nâng cao hơn. Kết quả ứng dụng trong kiểm nghiệm, quản lý thực phẩm giữa các khu vực, viện trong cả nước và các tổ chức quốc tế đang làm việc tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và môi trường cần được mở rộng.

 

Thực phẩm mất vệ sinh tiềm ẩn xung quanh chúng ta nhưng trên thực tế, những vụ việc được phát hiện chưa nhiều. Bằng chứng là các vụ ngộ độc vẫn diễn ra và tăng lên. Thực phẩm mất vệ sinh bày bán tràn lan nhưng không được xử lý hoặc chỉ xử lý được khi có đoàn kiểm tra rồi sau đó, đâu lại vào đấy. “Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm khác nhau trên đường phố, ngoài chợ… có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao khiến người dân hết sức lo lắng”, thứ trưởng bộ Y tế Trịnh Quân Huấn thừa nhận.

 

Theo L. Hà

Sài Gòn tiếp thị