“Rửa tay xà phòng: Vì sức khoẻ và sự phát triển của trẻ”

(Dân trí) - Đó là thông điệp của “Chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng” được phát động sáng nay, 5/6 do Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức.

Tại lễ phát động, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường nhấn mạnh: “Hơn 80% các bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất hiện này đều có liên quan đến việc thiếu nước sạch và vệ sinh cá nhân yếu kém, đặc biệt là hành vi rửa tay với xà phòng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rửa tay với xà phòng có thể giúp giảm đến 47% khả năng nhiễm tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Rửa tay với xà phòng cũng góp phần ngăn chặn các dịch bệnh đang lây lan trong cộng động như tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, chân tay miệng…”.

Theo báo cáo của UNICEF, trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 5.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết do tiêu chảy. Còn tại Việt Nam, hai nguyên nhân chính gây tử vong nhiều nhất ở trẻ là bệnh viêm đường hô hấp cấp và bệnh tiêu chảy.

Rửa tay bằng xà phòng rất đơn giản, chỉ mất vài giây sẽ giúp phòng nhiễm các bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp ở cả người lớn và trẻ em. Thế nhưng trên thực thế, tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng tại Việt Nam lại rất thấp.

Song song lễ phát động này, dự án đã triển khai các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tới các bà mẹ, những người trông trẻ tại cộng đồng.

Thông điệp được đưa ra, đó là mọi người “Hãy nhớ rửa tay với xà phòng vì sức khoẻ và sự phát triển của trẻ nhỏ. Hãy nhớ rửa trước khi cho trẻ ăn; Trước khi chuẩn bị thức ăn; Sau khi đi vệ sinh và sau khi làm vệ sinh cho trẻ.

Được biết, "Chiến dịch truyền thông rửa tay với xà phòng” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến rửa tay với xà phòng” góp phần hạn chế bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp ở trẻ em. Mục tiêu chính của dự án là góp phần giảm tỉ lệ mắc các bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp… thông qua nâng cao ý thức của người dân rửa tay bằng xà phòng.
 
Dự kiến đến 2010, tỉ lệ người trông trẻ rửa tay bằng xà phòng và trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhỏ ở các địa bàn được tuyên truyền tăng lên 25%.

Hồng Hải