1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Rửa rau bằng nước cống: Dân còn phải chờ

(Dân trí) - Đây là một hiện thực đã kéo dài 5 - 6 năm nay ở khu dân cư Cầu Đơ - Hà Tây. Nhưng dường như không có cơ quan chức năng nào muốn đứng ra giải quyết vấn đề này.

Dân sốc!

Lo sợ, nghi ngờ tất cả các loại rau bán ở chợ… đó là tâm lý của không ít người dân sau khi báo chí phản ánh về hiện tượng một số hộ trồng rau chuyên nghiệp tại Hà Tây đã cố tình rửa rau bằng nước từ bể tự hoại và nước mưa đổ dồn về từ 4 khu dân cư Cầu Đơ, khu tập thể Tô Hiệu và các nhà dân sống hai bên đường Tô Hiệu, đường Lê Hồng Phong, rồi đem ra chợ Hà Đông và Hà Nội bán.

Bà Vũ Thị Quý, khu tập thể ĐH Hà Nội - Quận Thanh Xuân cho biết: “Từ nhiều năm nay, cải xoong và cần là hai loại rau xanh được mọi thành viên trong gia đình tôi ưa chuộng bởi mùi vị thơm ngon đặc trưng. Thế nhưng, kể từ khi biết chuyện một số người thường rửa rau bằng nước cống trước khi đem bán, tôi hoảng quá, cứ mỗi lần đi chợ, nhìn thấy dãy rau cần trắng nõn nà lại thấy rùng mình!”.

Lê Minh Hằng và các đồng nghiệp là công nhân của một xưởng may công nghiệp đóng tại phố Bạch Mai cũng vậy. Cứ mỗi lần bước vào hàng cơm bình dân, mấy cô gái lại thẫn người, không biết nên ăn rau gì cho đảm bảo an toàn. Dù không phải là lần đầu tiên các cô được nghe những thông tin không hay về chất lượng của rau xanh hiện nay. Cũng không phải bây giờ họ mới hiểu, đã chấp nhận ăn cơm bình dân thì chớ hy vọng được rau luôn tươi ngon, sạch sẽ!

Thế nhưng, sự lo lắng của những người công nhân ấy đã tăng thêm gấp bội khi nhìn thấy những bức ảnh người ta nhúng những bó rau xuống miệng cống đen sì, ngập trong dòng nước thải độc hại rồi chất lên xe đem bán. Một bữa, hai bữa Hằng không dám ăn rau, nhưng cuộc sống của người công nhân lấy rau là thức ăn chính để trôi cơm thì tránh mãi sao được. Hằng không biết đến bao giờ mình sẽ mắc bệnh bởi những thực phẩm mất vệ sinh này!

“Mùa đông rét mướt kéo nhau vào quán lẩu, nhìn những rổ rau trắng nõn nà hoặc xanh mướt ai cũng thích, rủ nhau “chén” thật nhiều cho đỡ xót ruột, dù thỉnh thoảng cũng phát cáu khi thấy trong đám rau còn vương cả… cọng rác. Tuy vậy, chuyện người ta rửa rau bằng nước cống thì không thể chịu nổi. Coi thường người tiêu dùng đến thế là cùng”, sinh viên trường Kinh tế Quốc dân Nguyễn Như Lâm bức xúc nói.

Quả thực, chuyện phần lớn lượng rau xanh đang bán trên thị trường Hà Nội bị nhiễm khuẩn đã không còn là vấn đề quá xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, hành động một số người bán rau chuyên nghiệp cố tình rửa rau bằng nước cống, cốt sao cho rau sạch sẽ, bắt mắt người mua như một giọt nước làm tràn chiếc ly chất đầy phẫn nộ của người tiêu dùng.

Điều đáng nói là hiện tượng này đã diễn ra từ 5 - 6 năm nay mà không hề có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết.

Biết nhờ cậy "cửa quan" nào?

Một cán bộ phòng Hành chính, Công ty Môi trường đô thị Hà Đông thừa nhận: Kể từ khi những chiếc ao nằm xung quanh khu dân cư Cầu Đơ bị san lấp để xây dựng thì người trồng rau buộc phải đi xa hơn để rửa. Không muốn mất thời gian và công sức một số người đã “sáng kiến” tận dụng ngay nguồn nước thải lộ thiên, vốn trước đó là con mương dẫn nước từ sông Nhuệ vào đồng ruộng.

Và thế là tất cả những người dân sống hai bên đường Tô Hiệu, đường Lê Hồng Phong và những công nhân làm nhiệm vụ khơi thông cống rãnh khu vực này thường xuyên được chứng kiến cảnh tượng: Sáng sáng những xe người dân thồ rau cải xoong, rau cần đứng ở miệng cống, nhúng từng bó rau xuống, rửa sạch đất, rễ, rồi đem đi bán khắp nơi.

Cách phản đối duy nhất của những người biết sự thật ở quanh đó là “tẩy chay” rau của những người bán này.

Trong khi đó, trả lời từ phía Công ty Môi trường đô thị Hà Đông: "Biết nhưng không có quyền can thiệp!" còn Sở Y tế Hà Tây là: "Không quản lý vấn đề này!"

Liên tục trong nhiều ngày sau đó, PV Dân trí liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tây nhưng vẫn không thể gặp người có trách nhiệm bởi nhiều lý do “khách quan” như: lãnh đạo bận đi họp hết, không biết đến bao giờ. Con gái Chi cục trưởng liên tục mua sim mới thay cho bố nên nhân viên chẳng biết số nào mà cho! 

Đã một tuần trôi qua kể từ khi báo chí đưa tin nhưng dân vẫn phải chờ, dù chỉ là một lời giải thích về trách nhiệm quản lý từ đơn vị hành chính địa phương. Không biết còn phải chờ đến bao giờ...

P. Thanh