Răng giả có móc sắt “chui” xuống dạ dày

(Dân trí) - Khi đang ăn bữa tối, chị V.H.H (43 tuổi, Hà Nội) đã bị một tai nạn bất ngờ, chiếc răng giả được cố định bằng hai bên móc sắt chắc chắn đã theo thức ăn “chui” tọt xuống dạ dày.

Ngay sau khi nuốt phải chiếc răng giả, chị đã tới bệnh viện trung ương Quân đội 108 để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện răng giả nằm lẫn trong các loại thức ăn mà chị đã ăn buổi tối. Nhưng để lấy được dị vật đang nằm lẫn lộn trong một khối thức ăn tương đối lớn trong dạ dày như vậy không đơn giản.

Trong khi đó, chiếc răng giả “chui” tọt vào dạ dày lại có hai móc sắt kém theo, vì thế, nếu không tiến hành lấy dị vật nhanh, chiếc răng giả này có thể gây ra một loạt biến chứng nguy hiểm như nó sẽ dần di chuyển, dễ bị rơi vào ruột non, từ đó, móc sắt của răng giả có thể đâm thủng ruột non, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng nặng. “Nhất là khi đã rơi vào ruột non, với độ dài ruột non từ 8-9m thì việc tìm dị vật sẽ càng khó khăn”, TS Nguyễn Văn Khiên, chủ nhiệm khoa Nội tiêu hoá cho bệnh viện trung ương quân đội 108 nói.

Vì thế, các bác sĩ đã quyết định thực hiện thủ thuật đặt sonde dạ dày để hút dần thức ăn ra, sau đó dùng rọ đưa vào trong dạ dày để lấy răng giả ra ngoài thành công.

TS Khiên cảnh báo, nuốt phải răng giả là một tai nạn cũng tương đối hay gặp phải. Vì thế, những người lắp răng giả cần thường xuyên kiểm tra tình trạng răng, sau khi lấy răng ra vệ sinh cần lắp khít, chặt để giảm nguy cơ trên. Tốt nhất nên đề nghị nha sĩ lắp cố định răng, còn trong trường hợp răng chỉ phục vụ yếu tố thẩm mỹ, có thể tháo rời thì tốt nhất nên tháo ra trước bữa ăn, tránh gặp phải tai nạn đáng tiếc.

Trước đó, tại BV Việt Đức, các bác sĩ cũng đã gắp được 3 chiếc răng giả mắc kẹt tại thực quản của một bệnh nhân 80 tuổi, cũng do hàm răng răng (gồm 3 chiếc) bất ngờ trôi tọt vào họng khi bà uống thuốc.

Hồng Hải