Rắc rối với bệnh vẩy nến

(Dân trí) - Vẩy nến là căn bệnh ngoài da lành tính nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, nếu biết cách, bạn có thể “chung sống hoà bình” với căn bệnh khó chịu này.

Nôn nóng khó khỏi bệnh

 

BS Nguyễn Thành, Trưởng Khoa khám bệnh Viện Da liễu TƯ cho hay, nhiều người bệnh khi da bị mẩn đỏ, chóc vẩy… đã không đủ kiên nhẫn bôi thuốc để bệnh dịu đi mà lại dùng kéo, dao lam cố gắng loại bỏ các vẩy da bong đáng ghét. Phương pháp này không làm bệnh khỏi nhanh mà càng gây tổn thương da, khiến người bệnh càng thêm đau đớn, khó chịu.

 

Hay có nhiều trường hợp, khi vẩy nến xuất hiện, lập tức dùng các loại thuốc đặc trị, không cần biết bệnh ở thể nặng hay nhẹ. BS Thành cảnh báo, thói quen tự dùng thuốc như vậy rất nguy hiểm, nhất là các thuốc có corticoid. Khi dùng liều cao, bệnh thuyên giảm nhanh chóng nhưng khi tái phát sẽ bị nặng hơn và lan tràn khắp toàn thân, có khi chuyển sang thể khác như vẩy nến thể mủ. Không những thế, việc dùng thuốc tuỳ tiện với liều quá cao trước đó sẽ dẫn tới hiện tượng nhờ thuốc.

 

Vẩy nến có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường xuất hiện ở các vùng tỳ đè như đầu gối, khuỷu tay, bả vai, mông, xương cụt, vùng đầu... BS Thành cho hay, việc điều trị bệnh vẩy nến rất khó khăn, dễ gây chán nản vì không có thuốc đặc trị. Hơn nữa, bệnh lại rất hay tái phát khiến người bệnh càng thêm “buông xuôi”. Nhiều người sau một thời gian dùng thuốc không khỏi đã quay sang dùng Đông y nhưng hiệu quả cũng không như mong muốn.

 

BS Thành khẳng định, nếu kiên nhẫn điều trị, những đợt khởi phát bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế. Tuy chưa có phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh vẩy nến, nhưng việc điều trị ở các chuyên khoa da liễu sẽ giúp bệnh ổn định từng đợt và tái phát không theo chu kỳ (thông thường về mùa đông vẩy nến tái phát nhiều lần còn về mùa hè thì giảm đi, có người bệnh ổn định được 2 - 4 năm rồi mới lại tái phát).

 

“Hoà bình” với vẩy nến

 

Theo BS Thành, trước tiên người bệnh cần xác định đây là một bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng và xác định “sống chung với vẩy nến”,  tránh tâm trạng bất an, bi quan quá lo buồn vì đây là một bệnh rất hay tái phát.

 

Hơn nữa, vẩy nến thường tái phát khi có các điều kiện khác tác động như stress nhiễm khuẩn, chấn thương thượng bì, do dùng một số thuốc, thức ăn, rượu… Do vậy, người bệnh cần tránh các tác nhân này.

 

Người bệnh vẩy nến không nên tự ý bôi thuốc nhất  là thuốc có Corticoid vì có những tác dụng phụ có hại cho da, dễ làm cho bệnh tái phát nặng hơn. BS da liễu sẽ cho bạn loại thuốc bôi, uống hoặc tiêm thích hợp với tình trạng bệnh giúp cho bệnh mau ổn định. Ngoài ra, nên sinh hoạt, lao động, thể dục thể thao điều độ phù hợp với trạng thái sức khoẻ.

 

Ngòai ra, tuy không có cách điều trị đặc hiệu nhưng việc điều trị triệu chứng hiện nay cũng mang lại nhiều hiệu quả. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh nên giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, giữ tâm trạng thoải mái, không mặc cảm sẽ giúp khống chế, giảm tần xuất tái phát bệnh.

 

Hồng Hải