Quản lý thực phẩm: Cuộc chiến chưa có hồi kết

(Dân trí) - Dù Bộ Y tế liên tục cảnh báo nguy cơ dịch bệnh từ thức ăn đường phố nhưng một bộ phận không nhỏ người dân và cán cán bộ quản lý địa phương dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Câu chuyện về quản lý VSATTP vẫn đang diễn ra với nhiều thái cực.

Trách nhiệm của cán bộ quản lý là... tiếp thu ý kiến!

 

Ngày 13/11, đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của TP đã đình chỉ hàng loạt hàng ăn trong chợ Bưởi và dọc đường Thụy Khê (thuộc phường Bưởi, Q. Tây Hồ) bởi 2 lý do: thứ nhất là do không đảm bảo VSATTP (quầy hàng thì không tủ kính đựng thức ăn, lại có quầy dùng tay trần bốc). Thứ hai là thiếu giấy chứng nhận VSATTP.

 

Tuy nhiên, hàng loạt những quầy hàng bị đình chỉ kinh doanh do thiếu giấy chứng nhận VSATTP đều nhất loạt kêu oan bởi họ cho biết đã có đầy đủ giấy chứng nhận sức khỏe, chứng chỉ tập huấn về VSATTP, có tủ kính… nhưng không hiểu vì lý do gì mà hàng năm nay vẫn không được phường Bưởi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP.

 

Đến lúc này ông Phạm Quang Hiền, phó chủ tịch UBND phường mới nhận trách nhiệm: “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và sẽ tiến hành làm thủ tục cấp phép ngay cho các hộ đủ điều kiện và hứa sẽ làm tốt hơn công tác VSATTP trên địa bàn thuộc phường quản lý”!?.

 

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế thì kể từ ngày 8/11, tất cả các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh ăn uống cố định và không cố định nếu không đủ điều kiện Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) theo quy định sẽ bị đình chỉ.

 

Việc tiến hành kiểm tra, giám sát thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu trên địa bàn phường, xã, quận, huyện vẫn tồn tại những cơ sở kinh doanh ăn uống mất vệ sinh, chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Trước đó ngày 12/11, khi đoàn kiểm tra đến chợ Ngô Sĩ Liên cũng đã đình chỉ 3 hộ đang kinh doanh chè, bún bò- giò heo, sữa đậu nành và cảnh cáo nhiều hộ bán hàng khác do không đáp ứng điều kiện nguồn nước để rửa bát đũa theo quy định.

 

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã làm việc với lãnh đạo phường và được biết: Lý do chợ chưa có nước là do kinh phí phải bỏ ra để mua công tơ đo nước lên tới cả triệu đồng. Với mức kinh phí này nhiều hộ kinh doanh đã xin đem bát đũa… về nhà rửa!

 

BQL chợ Trương Định cũng báo cáo đã có một số hộ kinh doanh hàng ăn trong chợ tạm nghỉ (khi đang có dịch) vì chưa đáp ứng các yêu cầu về VSATTP.

 

Quán ăn rong vẫn đắt hàng

 

Mặc dù quy định về VSATTP đối với thức ăn đường phố và hàng ăn rong liên tục được tuyên truyền, đặc biệt từ khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xuất hiện trên địa bàn thành phố nhưng theo khảo sát cho đến thời điểm này thì những gánh hàng ăn rong – nguồn bệnh di động - vẫn vô tư hoạt động trên khắp các tuyến phố.

 

12h trưa 13/11, hàng bánh bao chiên trước số nhà 18 đường Lê Trực vẫn thản nhiên “phơi” bánh trần bên lề đường mù mịt bụi. Gánh bún đậu đầu đường Đặng Trần Côn nườm nượp khách ăn.

 

Dọc phố Tôn Đức Thắng, nhiều gánh hàng ăn rong như: hoa quả dầm, bún đậu, cháo... vẫn đắt hàng. Những gánh hàng rong như bún, cháo, trứng ngải cứu... vẫn tòng teng một hai xô nước đục ngầu đầy váng mỡ vì đã được dùng để tráng cả trăm chiếc  bát đĩa thực khách vừa ăn, thậm chí có một số người bán hàng rong trứng gà ngải cứu chỉ cần duy nhất một chiếc khăn chuyên dùng cho việc lau đĩa, đũa, thìa khi khách ăn xong để dùng tiếp!

 

Cùng ngày, phóng viên cũng có mặt tại khu vực xung quanh gò Đống Đa, không chỉ tồn tại nhiều hàng ăn rong mất vệ sinh, mà ngay cả trà đá vẫn được rất nhiều người sử dụng. Những tảng đá to tướng được kéo từ ô tô tải xuống, vứt vội lên miếng ni lon vàng ố, thủng lỗ chỗ, sau đó được người ta chặt nhỏ chuyển đến các hàng cơm bình dân và mấy quán cóc quanh đó.

 

Quan trọng vẫn là ý thức của người tiêu dùng

 

Không thể phủ nhận sự cố gắng nhất định từ phía chính quyền nhiều nơi, công tác VSATTP ở Hà Nội đã có những bước tiến bộ nhất định nhưng chủ yếu là những cơ sở kinh doanh hàng ăn cố định. Còn 16.000 - 18.000 hàng ăn rong vẫn liên tục hoạt động ngày đêm, len lỏi khắp các ngõ ngách thủ đô thì dường như VSATTP khônh chạm tới, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

 

Vẫn biết ở một khía cạnh nào đó, những gánh hàng ăn rong trên đường phố đã góp phần đáng kể giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này cũng đang đặt ra những vấn đề bức xúc trong việc bảo đảm VSATTP. Hậu quả gây ra từ những quán hàng ăn rong là nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì ngộ độc và tiêu chảy cấp nguy hiểm ở nhiều tỉnh thành, trong đó Hà Nội, địa bàn phát dịch đầu tiên và dai dẳng nhất.

 

Về quan điểm dẹp bỏ hàng ăn rong, TS Trần Đáng nhận định: Thức ăn đường phố và các hàng ăn rong là nét văn hoá riêng của cộng đồng người Việt. Nó phản ánh lối sống và sự phát triển xã hội, không thể ngày một ngày hai có thể xoá bỏ ngay. Chính vì vậy để đẩy lùi thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc nâng cao ý thức của những cửa hàng kinh doanh thức ăn tại chỗ. Cùng với đó, người dân cũng phải nâng cao ý thức tham gia thực hiện bảo đảm VSATTP, không ăn uống ở những gánh hàng rong không đảm bảo.

 

“Khi nguồn cung không còn ắt nguồn cầu sẽ tự động mất đi. Những người thực sự muốn hành nghề sẽ buộc phải tuân thủ các quy định về ATTP và sẽ dần tạo được thói quen trong cộng đồng”, ông Đáng nói.

 

P. Thanh