Quản lý ATVSTP: "Cấp trên cũng có lúc làm sai!"

(Dân trí) - “Cán bộ chuyên trách về ATVSTP quá thưa thớt trong khi trách nhiệm công việc thì quá nhiều. Trong công việc, cũng có khi cán bộ Cục để xảy ra sai sót nhưng cũng có lúc phải nhận những chỉ đạo thiếu chính xác”.

Đó là bộc bạch của TS Trần Đáng (ảnh), Cục trưởng Cục ATVSTP xung quanh vấn đề quản lý chuyên môn và thực trạng chất lượng ATVSTP ở nước ta:

 

Vừa qua thanh tra Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 459 hồ sơ đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng tại Cục ATVSTP. Tỉ lệ có sai sót lên tới hơn 46%. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Cục ATVSTP chấn chỉnh tổ chức, bổ sung cán bộ có trình độ, tham gia vào quy trình xét hồ sơ... Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

 

Chúng tôi đã có công văn rất dài và cụ thể báo cáo lên Bộ trưởng, Thứ trưởng về tất cả những điều mà thanh tra Bộ Y tế cho là “có vấn đề”. Tuy nhiên, cho đến giờ Cục vẫn chưa nhận được hồi âm trở lại. Trong quá trình duyệt, cấp hồ sơ đúng là cũng có những sai sót nhưng về chuyên môn hoặc quy định chúng tôi tiến hành đầy đủ, đúng luật.

 

Vả lại, từ đầu năm 2008 đến nay, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã yêu cầu chuyển tất cả hồ sơ đăng ký lưu hành thực phẩm chức năng sang Cục Quản lý Dược. Cho đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép. Tôi cho rằng sự chậm trễ này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

 

Một trong những trách nhiệm chính của Cục là quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất mà Cục đưa thì ra số người chết, số ca ngộ độc tập thể năm sau vẫn cao hơn năm trước?

 

Vấn đề nâng cao chất lượng ATVSTP không thể giải quyết một sớm một chiều với một đất nước có nhiều phong tục tập quán ăn uống còn khá lạc hậu như nước ta.

 

Về rau, cả nước có khoảng 8 triệu hecta được trồng rải rác trên 7,6 triệu thửa ruộng. Các mặt hàng thực phẩm khác cũng vậy, có tới gần 80% lượng thực phẩm hiện chưa quản lý được.

 

Trách nhiệm thì lớn đến vậy nhưng hiện cả Cục mới có gần 70 người, chuyên trách tất cả các mảng liên quan đến thực phẩm của cả nước. Còn mỗi tỉnh hiện chỉ có... 1/2 cán bộ kiêm nhiệm. Thử hỏi, với lực lượng như vậy, Cục xoay xở ra sao, nếu không được hỗ trợ thêm về mọi mặt!

 

Đã vậy, Cục còn nhận được chỉ đạo: “Phải xây dựng kế hoạch để triển khai tập trung, quản lý nhiều lĩnh vực, trong đó có cả vấn đề: Củng cố hoạt động của các Ban quản lý, điều hành các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh các loại hàng hoá, sản phẩm thực phẩm; Quản lý các vùng rau an toàn...”. Trong khi đó, vấn đề vấn đề quản lý các vùng rau an toàn theo NĐ 163 - hướng dẫn thi hành pháp lệnh VSATTP, đây là trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT. Mảng củng cố hoạt động của các Ban quản lý điều hành các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh... thuộc về Bộ Thương Mại.

 

Theo ông, cấp trên cũng có khi chỉ đạo chưa chính xác?

 

Đã xảy ra hiện tượng như vậy. Theo tôi, càng ở cương vị cao thì càng phải nắm và hiểu chắc luật thì mới điều hành tốt được bộ máy phía dưới.

 

Quay trở lại vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay, đó là thực trạng thực phẩm thiếu an toàn. Số vụ ngộ độc tập thể tại các bếp ăn tập thể (đặc biệt tại các khu Công nghiệp) đã dẫn đến thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khoẻ cho người lao động. Nguyên nhân của vấn đề là ở đâu, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi sự việc xảy ra thưa ông?

 

Đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn tập thể đã được giao trực tiếp cho Ban quản lý từng khu Công nghiệp, nhưng họ từ chối nhận trách nhiệm này và đã trao trả lại cho chính quyền địa phương. Thế nhưng, vẫn đề này thường bị bỏ ngỏ. Khi có vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại địa phương nào đó, Cục cũng không có quyền phạt. Biết điều này nên nhiều doanh nghiệp đã ngày càng coi thường vấn đề đảm bảo ATVSTP. Đáng quan tâm nữa là hiện mức kinh phí dành cho bữa ăn của công nhân tại các khu Công nghiệp (đặc biệt là ở phía Nam) rất thấp, chỉ từ 3 - 6 nghìn đồng. Với mức giá cả thực phẩm tăng vọt như hiện nay thì mức kinh phí này không thể đảm bảo cả về chất lẫn lượng của bữa ăn.

 

Ông đã nhận định: nâng cao chất lượng VSATTP không phải là công việc trong một sớm một chiều.  Theo ông, chúng ta cần có chiến lược cụ thể ra sao?

 

Vừa mới đây, Chính phủ đã ra Nghị định Quy định hệ thống quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về VSATTP. Với sự ra đời của Nghị định này, số lượng cán bộ làm công tác kiểm tra ATVSTP từ T.Ư đến địa phương được bổ sung đáng kể. Công tác đảm bảo ATVSTP cũng sẽ được phân công rõ ràng cụ thể. Theo đó, trách nhiệm của từng địa phương và cán bộ chuyên môn cũng như hiệu quả công việc sẽ được giám sát chặt chẽ.

 

Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 đã được phế duyệt với 6 dự án, mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng.

 

Hiện, Cục cũng đã gửi lên Chính phủ Dự thảo Luật An toàn Thực phẩm. Đây là dự thảo luật quan trọng được chỉnh sửa lần thứ 4 với sự giúp đỡ của các chuyên gia luật quốc tế. Bộ luật này cũng quy định hình thức xử phạt cả đối với những người “ăn bẩn”, dẫn đến lây truyền dịch bệnh cho cộng đồng. Nếu luật mới được đưa vào thực thi, tôi tin vấn đề sẽ được giải quyết.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P.Thanh (thực hiện)