Quán giải khát phớt lờ lệnh cấm đá cây

(Dân trí) - Ngành Y tế đã xác định, đá cây là một trong những nguồn lây của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm cùng nhiều loại bệnh đường ruột khác. Đã có văn bản cấm sử dụng đá cây trong giải khát. Thế nhưng, rất nhiều cơ sở kinh doanh giả “điếc” với lệnh cấm này.

100% quán trà vỉa hè dùng đá cây

Dãy quán bán trà đá mọc sát cổng trường trường Đại Học Hà Nội (Thanh Xuân) trong những ngày đầu hè nắng nóng chen chúc sinh viên ngồi uống nước.

Những người bán hàng thoăn thoắt tay trần bốc đá vừa được đập nhỏ trong chiếc túi dứa cáu ghét lâu ngày bỏ vào cốc. Những cục đá gặp nước tan chảy, nổi váng khiến một số ít sinh viên tỏ vẻ e ngại.

Nhưng rồi họ cũng tặc lưỡi, bưng cốc nước uống cạn.

Hồng Minh, cô sinh viên năm thứ 2, khoa Trung Quốc kể: Nửa tháng trước, cô và một người bạn nữa ngồi uống mía đá ở quán giải khát gần trường Kinh tế Quốc Dân bị “tào tháo” đuổi, lê lết mất mấy ngày trời. Sau vụ đó Minh cạch mía đá. Còn trà đá khi nào khát quá đành liều vậy!

Ngồi ngay cạnh Minh là một nhóm nam sinh viên vừa hết giờ chơi thể theo ở sân vận động. Đưa 5.000 đồng, họ được người bán hàng cung cấp cục đá to tướng với nửa bình nước.

Uống vơi đi quá nửa, bỗng một cậu trong nhóm phát hiện ra mấy mẩu gỗ vụn, rơm nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Cả nhóm càu nhàu mắng bà chủ quán cho họ uống nước bẩn. Bà này cười xoà thanh minh: “nước có bẩn đâu, chắc tại mấy đứa công nhân làm đá không vô ý để gỗ vun bay vào ấy mà!”.

Rồi như để chuộc lỗi, bà nhanh tay thọc vào thùng đựng đá moi thêm cục đá khác đổi cho nhóm sinh viên. Nước vẫn nổi váng dày, nhóm sinh viên vẫn tặc lưỡi uống cạn bình nước trà đá pha rơm, gỗ.

Tình trạng đá bẩn dùng trong các quán trà đá không chỉ phổ biến ở các trường đại học mà diễn ra ở hầu hết tất cả các quán nước vỉa hè trong thành phố.

Ngay sát cạnh Sở Y tế Hà Nội, một hàng trà đá kiêm rửa xe cũng vẫn vô tư dùng đá cây bán cho khách. Ở những quán giải khát khác như: chè các món, mía đá, sấu đá, sinh tố, tào phớ…tình tình trạng tương tự cũng diễn ra

Mặc dù lệnh cấm đã ban hành một tuần nay, các phương tiện truyền thông phường xã sáng nào cũng rả rả phổ biến lệnh cấm không được dùng đá cây trong giải khát, nhưng tình trạng hầu như không cải thiện đáng kể.

Có lẽ, nhiều người không còn sợ mình có thể dễ dàng mắc bệnh tả hay tiêu chảy khi uống loại nước giải khát chứa đầy nguy cơ.

Đá viên chưa chắc đã sạch

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất nước đá thủ công nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh.

Dù không đảm bảo tiêu chí để sản xuất và cấp giấy phép họ vẫn lén lút xuất đá không nhãn mác, nguồn gốc để cung cấp cho thị trường.

Tại một cơ sở sản xuất đá cây tư nhân ở Mai Động, nước giếng khoan được bơm trực tiếp tới các khay làm đá cáu vàng. Hai người công nhân đi cả ủng trèo lên đống đá bốc từng cây quẳng lên chiếc xích lô vẫn còn vương mùi… phân gà.

Chúng sẽ được chở đến những địa điểm bán đá lẻ, rải rác khắp thành phố.

Nơi sản xuất đá viên thì có “hiện đại” hơn, nước được đưa vào bình chứa, để lắng cặn và khử trùng qua loa. Những mẻ đá viên chưa kịp đóng túi nằm chất đống trên nền đất. Một nhóm công nhân dùng tay trần cầm xẻng xúc đá bỏ vào túi. Một nhóm khác chất đá “sạch” ra chiếc xe tải lênh láng nước, chở đến các cơ sở bán cà phê, giải khát đã đặt trước.

Chủ cơ sở cho biết. Đá viên “sạch” được bán với giá 1.500 đồng/kg; đá cây 1,2m giá 90.000 đồng/cây. Vào ngày nắng nóng, giá đá có thể đội lên đến 130-150.000 đồng/cây, mà vẫn “cháy” hàng.

Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã xét nghiệm và tìm thấy vi khuẩn tả có trong nước giếng, hồ ao- nguyên liệu chính của không ít cơ sở sản xuất đá cây đóng rải rác khắp thành phố.

Nói về dịc bệnh tiêu chảy cấp đang diễn ra ở Hà Nội, ông Lê Anh Tuấn cho biết: Ngày 22/4 UBND Thành phố Hà Nội đã gửi công điện khẩn xuống các xã, phường trực thuộc chỉ đạo việc thực hiện công tác VSATTP nhằm cắt đứt nguồn lây của dịch bệnh.

Một trong những lệnh cấm được đưa ra là các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, giải khát chỉ được sử dụng đá viên của các cơ sở sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP. Tuyệt đối không dùng đá cây trong giải khát, mà chỉ dùng để bảo quản thực phẩm.

Lệnh đưa ra là vậy, về cách nào kiểm soát tình trạng sử dụng đá cây, ông Tuấn cho biết : “Thành phố đã giao xuống, cán bộ lãnh đạo các đơn vị địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát VSATTP nơi mình quản lý”.

Tuy nhiên, có đi thực tế thì mới thấy, việc giám tình hình sản xuất đá tại các cơ sở tư nhân cũng như việc dùng đá cây trong giải khát vẫn bị thả nổi. Đa số quán bán giải khát vì chạy theo lợi nhuận vẫn giả “điếc”, sử dụng đá cây trong khi kinh doanh đồ uống. Nhiều người tiêu dùng vẫn tặc lưỡi dùng thức uống chứa đầy mầm hoạ.

Mới đây, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành xét nghiệm 93 mẫu nước đá của 31 cơ sở sản xuất nước đá viên và 72 cơ sở sản xuất nước đá cây. Kết quả đã phát hiện 17 mẫu nước đá bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn gây bệnh đường ruột trong đó có Ecoli. Cơ quan y tế còn phát hiện mẫu nước rửa dụng cụ của một cơ sở sản xuất đá viên còn phát hiện nguồn nước rửa nhiễm vi khuẩn từ phân người cao gấp 400 lần so với tiêu chuẩn.

“Vào thời điểm dịch bệnh liên miên thế này, mọi người dân phải tự ý thức bảo vệ lấy mình trước đã. Đừng sống hoà bình sự mất vệ sinh để rồi mang “vạ miệng!”- một chuyên gia Dịch tễ đưa ra lời khuyên.

P. Thanh