Quá thiếu cán bộ quản lý mỹ phẩm

(Dân trí) - Theo TS Alain Khaiat, chuyên gia cao cấp trong việc triển khai Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, nguồn lực cán bộ làm công tác quản lý mỹ phẩm của Việt Nam còn rất thiếu. Trong khi đó chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...

Cục Quản lý Dược Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Y tế về thực trạng công tác quản lý mỹ phẩm trong thời gian qua. Theo văn bản này, nội dung của Quy chế Quản lý mỹ phẩm (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2008) về cơ bản phù hợp với Hiệp định hoà hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm.

Cụ thể như hình thức quản lý được chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện công bố với cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường, đồng thời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mỹ phẩm trước cơ quan quản lý Nhà nước và người tiêu dùng. Việc kiểm tra, giám sát các sản phẩm mỹ phẩm được thực hiện có hệ thống, từ trung ương đến địa phương...

Dù vậy, theo nhận định của TS Alain Khaiat, chuyên gia cao cấp trong việc triển khai Hiệp định mỹ phẩm ASEAN đánh giá,  nguồn lực cán bộ làm công tác quản lý mỹ phẩm của Việt Nam còn rất thiếu (hiện một số Sở Y tế chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý mỹ phẩm); chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...  Ông cũng khuyến cáo, muốn quản lý tốt phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng... và đặc biệt là việc nâng cao kiến thức của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng các mỹ phẩm có chất lượng.

P. Thanh- T.Giang