Phù não vì không được chẩn đúng bệnh

Bệnh nhi là bé T.V.G.H. (28 tháng tuổi, ở TP Phan Rang, Ninh Thuận) vừa được đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cấp cứu ngày 6/10. Ngay hôm sau, bệnh nhân được bác sĩ Trần Chí Cường đặt dụng cụ bít lỗ thông giữa động mạch và tĩnh mạch trong ngoài sọ của bệnh nhi.

Phù não vì không được chẩn đúng bệnh - 1

BS Trần Chí Cường (giữa) vừa thực hiện xong kỹ thuật can thiệp điều trị thông động tĩnh mạch trong và ngoài sọ cho bé H. Ảnh: L.TH.H.

 

Hôn mê hơn một tháng

 

Ngày 7/10, chị Nguyễn Thị Kim Anh, mẹ của G.H., cho biết từ khi mới sinh chị đã thấy mạch máu ở cổ bé G.H. đập mạnh bất thường. Khi ghé tai lên đầu bé chị nghe những tiếng rào rào phát ra rất lạ. Chị đưa con đi khám ở một số bệnh viện nhưng bác sĩ chỉ ngó sơ sơ rồi bảo không sao. Khi được 22 tháng, vào đêm 17/4 bé đột nhiên chỉ vào đầu kêu đau, nhưng sáng ra bé lại bình thường.

 

Đến trưa, đột nhiên nửa người bên phải của bé bị yếu, sau đó là yếu nửa người bên trái. Kèm theo yếu người, bé còn bị co giật khoảng 4-5 lần, hết co giật nửa người bên này lại co giật nửa người bên kia. Chị Kim Anh vội đưa con đến Bệnh viện Ninh Thuận cấp cứu. Sau khi xét nghiệm, chụp CT scanner não thấy có dấu hiệu lạ, bác sĩ đã cho bé chuyển viện vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM điều trị.

 

Theo chị Kim Anh, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé H. được bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não và dị dạng mạch máu não. Bác sĩ đã điều trị khỏi bệnh viêm màng não cho bé. Với bệnh dị dạng mạch máu não, chị Kim Anh kể bác sĩ N. và bác sĩ V. nói chưa có nơi nào can thiệp điều trị được. Bác sĩ cho biết thêm bé sẽ bị hôn mê, gia đình phải chấp nhận nuôi bé được ngày nào hay ngày ấy.

 

Khoảng một tháng sau khi về nhà, bé H. lại có những biểu hiện như lần trước và phải cấp cứu tại Bệnh viện Ninh Thuận, rồi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị một tháng mới xuất viện.

 

Vài ngày sau bé H. lại có biểu hiện co gồng, yếu người, tím tái, được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị tiếp đến ngày 7/7 thì xuất viện. Trên các giấy tờ ra viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 của bé H. vào các ngày 6/5, 1/7 và 7/7 đều ghi chẩn đoán bé bị động kinh, teo não, dị dạng mạch máu não.

 

Chị Kim Anh kể có khi bé H. đang ngồi trên nệm, đột ngột ngã bật ngửa người ra sau, rồi bé lại tự ngồi dậy. Cách đây hơn một tháng, khi đang ngồi bé lại ngã bật ngửa và hôn mê. Gia đình đưa bé đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh nhưng bác sĩ lắc đầu. Vì vậy, chị Kim Anh đành để con nằm hôn mê ở nhà. Khi bé hôn mê, có lúc đưa bình sữa vào miệng thì bé biết mút nhưng có lúc không biết. Chỉ đến khi có người bạn xem tivi thấy Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM điều trị được bệnh dị dạng mạch máu não nói cho biết, chị Kim Anh vội vã đưa con vào TPHCM.

 

Người thân có thể phát hiện sớm

 

Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt. Bác sĩ Trần Chí Cường khuyên những bé sau sinh nếu kề tai sát vào đầu bé mà nghe những tiếng kêu rào rào thì nên đưa bé đến bệnh viện để được điều trị sớm.

 

Theo bác sĩ Chí Cường, trường hợp bé H. kỹ thuật và việc điều trị khá đơn giản, chỉ cần đặt dụng cụ bít lỗ thông này. Tuy nhiên, việc điều trị cần những trang thiết bị đặc biệt như máy chụp mạch máu xóa nền DSA.

 

Hiệu quả của điều trị tùy thuộc bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn nào. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ có kết quả tốt hơn. Bởi khi bệnh diễn tiến nặng sẽ gây nhiều rối loạn khác như suy tim do cung lượng cao, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch não gây phù não, giãn não thất...

 

Rất tiếc trường hợp của bé G.H. được điều trị quá trễ vì bé nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng do phù não, giãn não thất nên dù đã chữa khỏi thông động tĩnh mạch nhưng chưa biết bé có trở lại bình thường không. Nếu ngay từ khi bé 22 tháng, có triệu chứng đau đầu, yếu tay chân mà điều trị ngay lúc đó sẽ cho kết quả rất tốt.

 

Bác sĩ Chí Cường cho biết sau khi can thiệp, bệnh lý thông động tĩnh mạch não của bé H. đã được điều trị khỏi và mức độ hôn mê có cải thiện. Tuy nhiên, não có trở lại bình thường hay không cần thời gian mới xác định được vì điều trị quá trễ, não đã bị tổn thương hơn một tháng. Trường hợp bé G.H. là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong số khoảng 1.000 bệnh nhân được điều trị bệnh mạch máu não tại Bệnh viện Đại học Y dược từ khi bệnh viện triển khai can thiệp nội mạch năm 2005 đến nay.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ