Phụ gia thực phẩm: Dùng vô tội vạ vì mua quá dễ

(Dân trí) - Bất kỳ ai cũng đều mua được một cách dễ dàng các loại hoá chất để dùng làm PGTP, ngay cả những chất không có trong danh mục cho phép vẫn được dùng cách vô tội vạ.

Trung tâm truyền thông sức khoẻ vừa có một buổi hội thảo chung quanh vấn đề này.

 

Thế nào là phụ gia thực phẩm?

 

Theo Bà Nguyễn Thị Phụng, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3, phụ gia thực phẩm có 2 loại, một là phụ gia thực phẩm, hai là chất hổ trợ chế biến thực phẩm.

 

Những chất này đều có tác dụng giúp cho thực phẩm ngon hơn, tuổi thọ thực phẩm kéo dài hơn, nhưng nếu dùng không đúng cáchthì sẽ trở nên nguy hiểm.

 

1- Phụ gia thực phẩm: là những chất có hoặc không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào thành phần thực phẩm trong quá trình chế biến, xử lý, đóng gói, vận chuyển nhằm giữ nguyên hoặc cải thiện đặc tính nào đó của thực phẩm, thí dụ như chất bảo quản dùng trong nước ngọt.

 

2- Chất hổ trợ chế biến thực phẩm: là chất được sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hợăc thành phần thực phẩm, nhằm hoàn thiện công nghệ chế biến thực phẩm.

 

Chất nầy khác với PGTP, nó được dùng trong việc chế biến thực phẩm nhưng không trở thành 1 thành phần của thực phẩm mà sau đó ta phải loại nó ra, ví dụ như chất dùng để tẩy trắng đường hay chất dùng làm chua rau quả.

 

Tình hình sử dụng PGTP hiện nay

 

Sau khi kiểm tra tại TPHCM, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ y tế cho biết, hiện nay tại chợ Kim Biên, các khu chuyên bán hoá chất, hương liệu thuộc Q.5, các loại phụ gia thực phẩm, hoá chất thực phẩm cùng các loại hương liệu được bày bán tràn lan nhưng không rỏ nguồn gốc xuất xứ và còn được bày bán cách lẫn lộn.

 

Bà Nguyễn Thị Phụng cho biết, việc buôn bán các loại PGTP ở nước ngoài được kiểm soát rất chặt chẽ, không những thế các cơ quan kiểm tra thực phẩm của các nước như Mỹ, Nhật, Úc còn rất khắc khe trong việc sử dụng PGTP.

 

Ông Lê Trường Giang, Phó Giám Đốc Sở Y Tế TPHCM, cho biết: “Hiện không có quy định nào cấm người bán để lẫn lộn các loại hóa chất thực phẩm với hóa chất công nghiệp. Sở chỉ còn biết kêu gọi các điểm kinh doanh cam kết chỉ bán các loại hoá chất, phụ gia dùng cho thực phẩm”.

 

Ngoài ra Sở cũng đã có kiến nghị cấp trên, yêu cầu những khu bán hoá chất thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được kinh doanh các hoá chất công nghiệp và phải có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

 

Theo bà Nguyễn Thị Phụng: “Một trong những lý do khiến người ta dùng hoá chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm là vì giá của nó quá rẻ, rẻ hơn gấp nhiều lần so với các loại hoá chất thực phẩm và mua được một cách dễ dàng”.

 

Bà Phụng còn quả quyết, hầu hết các thực phẩm có sắc màu tươi và có độ màu bền lâu là chắc chắn sử dụng phẩm màu công nghiệp, thêm nữa người ta thường sử dụng quá liều lượng cho phép dẫn đến việc lạm dụng PGTP. Không những thế người ta còn sử dụng cả các loại hoá chất không có trong danh mục cho phép sử dụng như sudan đỏ, hàn the, phân urê, formoldehyd....

 

Chỉ có cách tự lo

 

Trong phần hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra cách chặt chẽ hơn, không làm theo phong trào sau đó đâu lại vào đó, cũng như nêu đích danh các đơn vị vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết mà tẩy chay, như vụ nước tương vừa qua.

 

Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch Trung Tâm Truyền Thông Sức Khoẻ TPHCM, nhận xét và góp ý sau: “Nghe xong tôi thấy bây giờ cái gì cũng độc hại, mỗi người chỉ còn cách tự lo cho mình là hay nhất. Hạn chế tối đa việc ăn uống bên ngoài, tự chế biến món ăn ở nhà, ngay cả tự chế biến cũng phải tìm mua nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy và hạn chế tối đa việc dùng các loại thực phẩm có màu đỏ rực”.

 

Các bà nội trợ thì góp ý chỉ ra các loại thực phẩm không an toàn như màu đỏ của thịt, người bán thường có một cái khăn dùng lau thịt hay có thau nước dùng rửa thịt nhưng thực chất là khăn và thau nước đều có hóa chất, khi lau-rửa sẽ giúp cho thịt đỏ tươi, khi đem về nhà rửa thì nước có màu đục ngầu, do đó không nên mua thịt rồi nhờ xay liền, mà phải đem về rửa kỷ dưới vòi nước nhiều lần trước khi chế biến thành món ăn.

 

Cuối buổi hội thảo, Bà Phụng tiết lộ một điều mà bà rất muốn làm nhưng điều kiện ở Việt Nam không cho phép, đó là theo Ủy ban CODEX  quốc tế về thực phẩm, mà bà đã tận mắt chứng kiến ở Úc. Bà nhận thấy cơ quan quản lý kiểm tra rất chặt chẽ và rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân như: “Tất cả các loại thực phẩm chế biến chỉ được bày bán trong ngày, qua 6 giờ thì bỏ, còn thịt được bảo quản trong tủ đông, nếu đem hâm lại thì chỉ được hâm một lần thôi và chỉ được bảo quản tối đa 5 ngày”.

 

Ngọc Thanh