Phòng tránh bệnh lở mồm long móng

(Dân trí) - Xin cho biết, biểu hiện của bệnh lở mồm long móng như thế nào. Bệnh này có lây sang người hay không và phòng chống như thế nào? (Hà Thị Nghĩa – Hà Tây)

Trả lời của ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục phó Thú y HN:

 

Lở mồm long móng là bệnh cấp tính, do 7 tuýp virus gây ra và lưu hành trên tất cả động vật móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai. Thời gian ủ bệnh 3-6 ngày.

 

Biểu hiện ban đầu là con vật sẽ bị sốt cao 40-41 độ C kèm theo ủ rũ, kém ăn. Mụn nước bắt đầu phát triển ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi, vành mũi, kẽ móng chân, đầu vú. Mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm, dễ long móng, nhất là ở lợn. Đến ngày thứ 5-6, con vật suy sụp, khó thở, loạn nhịp tim và chết trong sự hôn mê. 

 

Bệnh này do virus gây ra, tốc độ lây lan rất nhanh qua tiếp xúc, thậm chí là cả trong không khí. Trung bình một ngày, một con lợn có khả năng thải tiết 400 triệu đơn vị lây nhiễm, có đủ khả năng lây nhiễm cho 10.000 bò. Đặc điểm của loại virus này là có sức đề kháng yếu với môi trường bên ngoài, với các thuốc sát trùng thông thường, nhưng bù lại, để đảm bảo khả năng sinh tồn nó lại cực kỳ nhanh.

 

Virus có thể tồn tại hơn 1 năm ở chuồng nuôi gia súc bị mắc bệnh, 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn gia súc, hơn 1 tháng ở lông. Ngay cả gia súc khỏi bệnh song vẫn mang trùng tới 4 tháng đối với dê, 9 tháng đối với cừu, 4 tuần đối với lợn, còn trâu bò là 3-5 năm.

 

Con vật nhiễm bệnh rất nhanh, tự khỏi cũng rất nhanh, chỉ 7-10 ngày. Tuy nhiên, trong thời gian bệnh, con vật sẽ giảm 25% trọng lượng, sản lượng sữa giảm 20-25%. Bệnh  lở mồm long móng không chữa được, chỉ có tiêm văcxin phòng bệnh.  Hiện nay bệnh lở mồm long móng chưa có biểu hiện lây sang người.

 

Để phòng chống bệnh lở mồm long móng, trước hết, chủ vật nuôi phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho gia súc. Khi có dịch thì phải phát hiện bệnh sớm, khoanh vùng thật nhanh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây xung quanh ổ dịch, nghiêm cấm hoạt động buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc trong vùng có dịch, nghiêm cấm di chuyển gia súc bệnh ra ngoài ổ dịch, nghiêm cấm nhập gia súc cảm thụ vào vùng có ổ dịch…

 

Chuồng gia súc, chất thải phải được đốt, xử lý bằng hóa chất sát trùng, sau đó phải chôn sâu xuống mặt đất ít nhất 1m. Quá trình xử lý xác gia súc chết do bệnh lở mồm long móng phải có sự giám sát, chứng nhận của cơ quan thú y.

 

Lở mồm long móng có thể lây sang người

 

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện Phó Viện vệ sinh dịch tễ trung ương thì trên lý thuyết, bệnh lở mồm long móng trên động vật hoàn toàn có khả năng lây lan sang người khi tiếp xúc. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh này do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc bệnh.

 

Ông Đính cho biết, khi ăn thịt đã nấu chín, khả năng lây nhiễm hầu như là không có. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan sẽ rất cao nếu tay, chân có những vết xước trong khi chế biến.

 

Việc phân biệt thịt lợn, bò bệnh rất khó, hầu như không có dấu hiệu rõ nét nào. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên ăn thức ăn đã nấu chín, sử dụng găng tay và phương tiện bảo hộ cá nhân khi chế biến, tiếp xúc với gia súc.

 

Phạm Thanh - Hồng Hải