Phòng ngừa và điều trị tiêu chảy mùa mưa

(Dân trí) - Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy trong mùa mưa là vệ sinh kém, thiếu nước sạch, thực phẩm bị ô nhiễm.

Tiêu chảy là gì?

 

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột với biểu hiện đi tiêu lỏng và liên tục ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ.

   

Tại sao tiêu chảy lại nguy hiểm?

 

Tiêu chảy là nguyên nhân gây suy kiệt nước và muối nhanh chóng trong khi đây là 2 chất tối cần thiết cho cuộc sống. Nếu không nhanh chóng được bù đắp, cơ thể sẽ suy kiệt và khi lượng chất lỏng trong cơ thể giảm xuống dưới 10% thì sẽ dẫn tới tử vong.

 

Ngăn ngừa tiêu chảy như thế nào? 

 

- Đảm bảo nguồn nước đưa vào cơ thể phải sạch.

 

- Hạn chế ăn các loại rau có lá vì ngập úng sẽ làm rau bị ô nhiễm bùn đất, nhiễm khuẩn từ nước bẩn.

 

- Không ăn các loại thuỷ sản không rõ nguồn gốc bởi nếu đánh bắt tại các vùng nước ô nhiễm như ruộng mới phun thuốc, đường phố nơi đang bị ô nhiễm bởi nước thải và xăng dầu... sẽ rất dễ bị ngộ độc.

 

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh (giảm 47% nguy cơ).

 

- Ăn chuối, tỏi. Chuối chứa pectin và kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi. Còn tỏi sẽ tiêu diệt các vi khuẩn gây hại cho đường ruột.

 

Phòng ngừa và điều trị tiêu chảy mùa mưa - 1
 

Ăn thịt lợn được vận chuyển theo cách này,

không bệnh mới lạ (Ảnh: VNN)

Nên ăn gì?

 

Súp cà rốt:

 

Cách nấu: Nấu nửa cân cà rốt thái miếng trong 150ml nước cho đến khi cà rốt chín mềm. Sau đó tán nhuyễn và đổ thêm nước sao cho được 1 lít nước súp. Thêm 3 thìa cà phê muối, đun sôi trở lại.

 

Cách dùng: Cho bệnh nhân ăn vài thìa sau mỗi nửa giờ.

 

Công dụng: Cung cấp nước để chống khử nước; bổ sung muối, kali, phốt pho, canxi, sunfur và magiê; cung cấp pectin và các lớp bảo vệ ruột giúp giảm tình trạng viêm. Nó cũng làm hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại và chống nôn hiệu quả.

 

Gừng

 

Cách làm: 1/4 thìa bột gừng với vài hạt muối và 1 chút đường thốt nốt hoà cùng 1 tách nước sôi. Có thể dùng gừng tươi giã nát pha theo cách trên.

 

Cách dùng: dành cho người mắc chứng khó tiêu, tiêu chảy.

 

Công dụng: Giúp trung tiện và tăng tiết hoạt động của nhu động ruột.

 

Nước bạc hà

 

Cách làm: 1 thìa nước ép bạc hà tươi trộn với 1 thìa nước ép chanh lá cam và mật ong.

 

Cách dùng: Uống 3 lần/ngày

 

Công dụng: Nước ép bạc hà giúp điều trị tiêu chảy rất hiệu quả.

 

Nước lựu

 

Cách làm: Ép nước lựu bằng cách lấy thìa nghiền hay cho vào máy ép hoa quả.

 

Cách dùng: Mỗi lần 50ml sau khi đi tiêu.

 

Công dụng: Nước lựu có tác dụng hỗ trợ sức khoẻ cũng như quá trình điều trị tiêu chảy nhờ khả năng làm se bề mặt đường ruột. Uống sau khi đi tiêu sẽ giúp kiểm soát tiêu chảy hiệu quả.

 

Hạt xoài

 

Cách làm: 1-2g bột hạt xoài khô xay mịn trộn với mật ong.

 

Cách dùng: Ăn 2 lần/ngày 

 

Công dụng: Có tác dụng cầm tiêu chảy.

 

Gạo

 

Cách làm: Dùng 1 nắm gạo lức rang với 10g phục linh, 10g trần bì (vỏ quýt), 10g gừng, nấu với 1 lít nước thành cháo.

 

Cách dùng: Cho uống nước cháo.

 

Công dụng: Cầm tiêu chảy, kích thích tiêu hoá, ấm bao tử, hạ hơi giảm nấc cục, giảm đau do trường vị lạnh.

 

Ngoài ra có thể ăn táo tây nướng hay táo nấu chín. Nấu sẽ tốt hơn vì cellulose được làm mềm, dễ hấp thu hơn.

 

Một cốc nước ép cà chua tươi pha với 1 nhúm muối và hạt tiêu để uống vào mỗi sáng.

 

Các loại nước có thể uống là nước dừa, nước lúa mạch.

 

Nhân Hà

Theo HR