TPHCM:

Phòng bệnh sởi: Chờ tiêm mũi 3 trong 1 là sai!

(Dân trí) - Việc quy định tiêm vắc xin phòng bệnh vào tháng tuổi nào của trẻ không đơn giản là lựa nhanh 1 con số mà luôn phải dựa trên nghiên cứu và chọn phương án ít rủi ro nhất. Và tiêm phòng sởi cũng không nằm ngoại lệ.

Bệnh nhi mới 6 tháng tuổi đã bị sởi tấn công điều trị tại Nhi Đồng 1

Bệnh nhi mới 6 tháng tuổi đã bị sởi tấn công điều trị tại Nhi Đồng 1

Trao đổi về việc độ tuổi nào tiêm vắc xin sởi sẽ hợp lý nhất, TS.BS. Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội y tế Công cộng TPHCM cho biết: “Cách đây 20 năm khi dịch sởi xảy ra, việc tiêm phòng sởi cho trẻ mũi đầu khi nào là vấn đề khó khăn. Nghiên cứu cho thấy, nếu tiêm sởi cho trẻ khi được 6 tháng tuổi thì vắc-xin không phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh vì cơ thể trẻ mới sinh vẫn mang kháng thể được truyền từ mẹ. Việc tiêm ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi đã được lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng đã bị mắc bệnh.”

“Quyết định tiêm ngừa sởi cho trẻ vào tháng thứ mấy trở nên nan giải nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận tiêm ở tháng thứ 9 với hy vọng khi đẩy mạnh được tiêm chủng ở độ tuổi này thì mầm bệnh trong môi trường sẽ giảm, qua nhiều năm số trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng sẽ được bảo vệ vì môi trường “sạch” mầm bệnh. Vấn đề của 20 năm trước hiện nay đang tái diễn bởi mầm bệnh đã đầy trong cộng đồng khiến số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều”, TS. Trường Giang lo ngại.

Trong khi đó, hậu quả của tình trạng trẻ nhỏ mắc sởi sẽ rất nghiêm trọng bởi miễn dịch của trẻ kém, cơ địa yếu trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, biến chứng và di chứng trong điều trị theo suốt cuộc đời.

Liên quan đến vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Nhiều bác sĩ khuyến cáo bệnh nhi không nên tiêm sởi lúc 9 tháng tuổi mà chờ đến 12 tháng tuổi để tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) là sai. Độ tuổi trên, kháng thể được truyền từ mẹ không còn phát huy tác dụng phòng bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh nguy cơ lây nhiễm khó tránh khỏi”.

Cần 80.000 đến 100.000 liều vắc-xin tiêm bù

Theo kế hoạch ban đầu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đối tượng tiêm bù sởi là những trẻ chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa bệnh có độ tuổi từ 9 tháng đến 2 tuổi.Tuy nhiên, thống kê của các bệnh viện trên địa bàn thành phố cho thấy số trẻ mắc bệnh từ 2-3 tuổi chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vì vậy, TPHCM đã kiến nghị và được Cục chấp thuận tăng thêm diện tiêm bù cho trẻ trong độ tuổi trên để đảm bảo khả năng bao phủ của vắc-xin ngừa bệnh. Ngoài ra, các đối tượng không nhớ đã chích ngừa sởi hay chưa nếu cách đó một tháng không chích ngừa loại vắc xin nào cũng sẽ được chích luôn mũi ngừa sởi.

Dịch sởi bùng phát là do “lỗ hổng” của công tác phòng dịch xảy ra trong nhiều năm. Cộng dồn cả ba năm, số vắc-xin cần được tiêm bù khoảng 80.000-100.000 liều. Cụ thể, theo con số ước tính của BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, trong vòng 3 năm qua trung bình mỗi năm có khoảng 5 nghìn trẻ chưa được tiêm sởi mũi thứ nhất; khoảng 25.000-30.000 trẻ chưa được tiêm ngừa sởi mũi thứ hai.

Thành phố dự kiến sẽ tiến hành đồng bộ hai phương án tiêm ngừa sởi tại trạm Y tế tuyến phường xã và tiêm lưu động tại các trường mầm non, mẫu giáo. Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 07/3 đến ngày 29/4. Việc rà soát các đối tượng chưa chích ngừa hoặc chích thiếu vắc-xin sởi đang gấp rút tiến hành tại trường mầm non, tổ dân phố, trạm y tế phường xã.

 TS Trường Giang khẳng định: “Nếu thực hiện được kế hoạch trên, trong khoảng thời gian một tháng dịch sởi chắc chắn sẽ được đẩy lùi”.


Vân Sơn