Điều trị xơ hoá cơ delta:

Phẫu thuật vẫn là tối ưu?

(Dân trí) – TS Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị (Bộ Y tế) đã từng khẳng định, phẫu thuật xơ hoá cơ delta đang được triển khai vô tội vạ, có những bệnh nhân không có chỉ định mổ nhưng vẫn được mổ. Vậy có nên cho bé đi mổ khi tai biến là gần như không thể tránh khỏi?

Trước vấn đề này, Hội đồng khoa học về xơ hoá cơ delta (Bộ Y tế) đã họp và quyết định, chỉ phẫu thuật xơ hoá cơ ở tuyến tỉnh và ở một số cơ sở tuyến huyện có đủ điều kiện. Chỉ những BS chuyên khoa 2 về chấn thương chỉnh hình đã được tập huấn về quy trình điều trị xơ hóa cơ delta mới được tham gia phẫu thuật.

 

Sau phẫu thuật cần tập vật lý trị liệu

 

Theo đó, các nhà chuyên môn cũng đề xuất phải có chỉ định chặt chẽ hơn trong việc mổ các trường hợp xơ hoá cơ delta. Với những bệnh nhi bị xơ hoá cơ delta nhưng vẫn dang vai dưới 25 độ; Xương bả vai xoè ra nhưng dang vai dưới 25 độ; Xương bả vai xoè ra, nhưng khi khép hai tay vào ngực, hai khuỷa vẫn chạm nhau; Hai tay vẫn khép hết được vào thân mà xương bả vai không nhô thì sẽ không tiến hành phẫu thuật mà dùng phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Với những trẻ dưới 5 tuổi cũng không nên mổ vì rất dễ gây biến chứng.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, Chỉ tịch Hội phục hồi chức năng, trưởng khoa PHCN BV Bạch Mai cho rằng, với những trường hợp nhẹ này, tốt nhất là can thiệp bằng chỉnh hình nội khoa trong thời gian khoảng 3 tháng, sau đó nếu thấy chức năng không thay đổi nên tiến hành mổ cho các cháu.

 

Tại hội thảo  “Xơ hóa cơ delta - Phẫu thuật có phải là biện pháp tốt nhất?” do báo Khoa học và Đời sống tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, đến nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất với các trường hợp xơ hoá cơ delta vẫn là phẫu thuật.

 

Việc phẫu thuật sẽ giải quyết được 3 vấn đề: giảm vận động khớp vai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ (ngực lép, vùng vai lồi lõm, tay khuỳnh), bệnh nặng lên làm biến dạng khớp vai, lồng ngực, ảnh hưởng đến cả các khối cơ xung quanh. Nếu không mổ, khớp vai sẽ dần bị trệch một phần, dần dần trật hẳn, gây hẹp lồng ngực, biến dạng cột sống.

 

Tuy nhiên, các bệnh nhi có thể gặp nhiều tai biến sau mổ như: Tổn thương dây thần kinh, nhiễm khuẩn, tụ máu (thế giới gặp 10%, Việt Nam đã gặp 3/2000 trường hợp), tái phát và những tai biến muộn như sẹo lồi (gần 100%), mất khả năng tròn đều khớp vai, tạo thành bậc thang ở khớp vai...

 

“Phải xác định các ca bệnh càng sớm càng tốt, can thiệp bằng chỉnh hình nội khoa sớm. Vì nếu để càng lâu, nguy cơ phải can thiệp bằng phẫu thuật càng cao. Nếu phẫu thuật, cần phải có những chỉ định chặt chẽ, phân loại mức độ bệnh để tránh nguy cơ bị tái phát. Hơn nữa, sau mổ bắt buộc phải tập vật lý trị liệu mới mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất”, TS Nguyễn Tiến Bình, Phó giám đốc Học viện Quân y, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học về xơ hoá cơ delta (Bộ Y tế) cho biết.

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa chỉnh hình, BV Nhi T.Ư cho biết, để tránh chẩn đoán nhầm, phải chẩn đoán phân biệt với một số loại bệnh. Xơ hoá cơ delta rất dễ nhầm với một số bệnh như:  Xương bả vai nhô cao bẩm sinh; Liệt một dây thần kinh ở cổ; Bệnh Duchenne với biểu hiện thường xảy ra ở con trai, xuất hiện đối xứng hai bên với biểu hiện to ở ngọn chi, bé ở gốc chi; bệnh nhân đang ngồi không tự đứng lên được, phải có người xốc nách 2 bên và mang yếu tố di truyền; Loạn dưỡng cơ tuỷ do tăng men CK trong máu lên 20 đến hàng trăm lần, làm tổn thương tế bào thần kinh vận động ở sừng trước tuỷ sống, biểu hiện là liệt tiến triển dần, các vận động tinh tế không làm được.

 

Hiện nay, quy trình kỹ thuật mổ có hướng dẫn tận cơ sở, đồng thời Bộ Y tế đã phân công các bệnh viện trung ương sẽ chịu trách nhiệm giám sát thực hiện của các tỉnh.

 

“Bài học” về xơ hoá cơ delta

 

“Đến nay, trên cả nước phát hiện hơn 10.000 trẻ bị xơ hoá cơ delta, đây là một nỗi đau nhưng cũng là một bài học lớn. Nếu chỉ nhìn nhận xơ hoá cơ là một di chứng của lịch sử rồi tập trung giải quyết vấn đề nhưng không rút ra một bài học, ngành y tế sẽ không tránh khỏi những vấn đề tương tự trong tương lai”, GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên khẳng định.

 

Từ hiện lượng hàng nghìn trẻ bị xơ hoá cơ delta như hiện nay, phải làm thế nào để y tế công cộng không còn những vấn đề như nhế này. Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn, từ đó đặt ra một loạt các vấn đề mà chúng ta cần quan tâm như đào tạo y tá, giáo dục cho bố mẹ, hệ thống y tế học đường…  

Hồng Hải