Phát hiện ổ bọ xít hút máu 200 con

(Dân trí) - “Trong ổ bọ xít hút máu khoảng 200 con được phát hiện mới đây tại Hà Nội thì đã có 35 con bọ xít cái trưởng thành đẻ gần 400 trứng. 4 con cái thu nhận được tại Từ Liêm hôm 15/9 vừa mang về viện cũng đã đẻ trứng”.

Phát hiện ổ bọ xít hút máu 200 con - 1
Bọ xít hút máu gây các vết đốt sưng tấy, khó chịu và có thể gây viêm nhiễm tại chỗ

TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho rằng, việc bọ xít hút máu đẻ trứng nhanh, trứng khỏe cho thấy bọ xít có sự thích nghi với môi trường cao, và rất có khả năng đây là “mùa” sinh sản của bọ xít hút máu. Với tần xuất đẻ dày đặc, tỷ lệ trứng nở cao, các chuyên gia rất lo ngại mức độ lan rộng của bọ xít hút máu trong các khu dân cư không riêng gì ở Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước đều có thông tin người dân bắt được loại bọ xít hút máu này như tại Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… Ngay trong chiều nay (17/9), một độc giả Dân trí tại Hải Phòng cũng gọi điện đến chia sẻ, gia đình anh bắt được một con bọ xít hút máu (khi di con vật này xuống sàn thì thấy có máu). Gia đình anh đang phải dọn dẹp giường chiếu, bàn tủ… để tiếp tục tìm bọ xít, lo ngại chúng có thể đốt các thành viên trong gia đình.

TS Lam cho biết thêm, đặc tính sinh đẻ của loài bọ xít này là đẻ trứng liên tục, chỉ cách 6 - 7 ngày là đẻ trứng một lần, mỗi lần đẻ từ 14-30 quả. Sau một thời gian ngắn, khoảng 15-17 ngày trứng nở. “Các cá thể bọ xít cái thu được gần đây đều đẻ trứng nhanh chóng, tỷ lệ trứng nở cực cao nên chúng tôi cho rằng loài bọ xít này đang bước vào mùa sinh sản. Tuy nhiên, để khẳng định có phải là mùa sinh sản không cần phải có thời gian nghiên cứu thêm. Nhưng chúng tôi cũng muốn cảnh báo để người dân khi tìm thấy những cá thể bọ xít độc lập trong nhà mình thì nên tiếp tục tìm kiếm, phòng ngừa có “ổ” bọ xít đang sinh sản, đẻ trứng ngay trong gia đình”, TS Lam nói.

Về ổ bọ xít hút máu hơn 200 con thu được hôm 10/9, TS lam chia sẻ, đây là ổ dịch lớn nhất mà chúng tôi thu được kể từ khi bắt đầu điều tra thu thập mẫu tại Hà Nội từ tháng 2 đến nay. Đây là một ổ lớn, đang phát triển, có cả con trưởng thành, trứng..., 60-70% các cá thể đều có máu.

Đến nay, tuy chưa có bằng chứng cho thấy bọ xít hút máu ở Việt Nam truyền bệnh nguy hiểm, nhưng các chuyên gia khuyến cáo người dân vẫn cần phải thận trọng trước loại bọ xít này. Nếu vô tình bị bọ xít hút máu đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm). Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

Người dân có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm. Nhất là nhà có trẻ em, nếu em bé tè dầm, đánh đổ nước ra đệm… cần phơi phóng khô ráo sẽ phòng được nguy cơ bọ xít cũng như nhiều loại côn trùng khác, nấm mốc… sinh sôi phát triển.

Nếu bắt gặp bọ xít hút máu thì nên giết thủ công rồi bỏ vào thùng rác. Nếu thấy trứng thì cho vào túi ni lông đốt hoặc đổ nước lã vào đem vứt đi, trứng bị đổ nước không thể nở được. Hoặc người dân có thể gọi điện tới Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh theo số máy 04.37565899 để Viện xử lý.

Hồng Hải