Phát hiện: Bị "mắc kẹt", tế bào ung thư không thể di căn

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một nhóm thuốc hiện có có thể khiến các tế bào ung thư "bị mắc kẹt", ngăn không cho chúng lan khắp cơ thể.

Nhiều phụ nữ bị ung thư vú tìm đến liệu pháp thay thế” để tránh hóa trị
Nhiều phụ nữ bị ung thư vú tìm đến "liệu pháp thay thế” để tránh hóa trị

Thông thường, các tế bào ung thư nhanh chóng hút hết các chất dinh dưỡng và oxy và buộc phải rời khỏi khối u để xâm chiếm các phần khác của cơ thể, hoặc chết đi. Khoảng 90% số trường hợp tử vong vì căn bệnh này xảy ra sau khi ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Ung thư Quốc gia Mỹ hiện đã tìm thấy một phần chủ chốt của quá trình cho phép các tế bào di chuyển và tìm ra cách ngăn cản nó trong phòng thí nghiệm: Khi các tế bào ung thư đã xử lý được tiêm vào vú của chuột cái, chúng phát triển thành những khối u lớn nhưng không di căn đến phổi, gan hoặc xương.

Trưởng nhóm nghiên cứu - GS Kay MacLeod, Khoa Nghiên cứu ung thư May Ben tại Đại học Chicago, cho biết họ quyết định tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu họ ngăn chặn một quá trình gọi là autophagy (tự thực - dọn vệ sinh ở các tế bào khỏe mạnh, làm sạch những nguyên vật liệu bị hư hỏng và protein biến dạng, loại bỏ tác nhân gây bệnh và giúp bảo vệ chống lại ung thư) trong các tế bào ung thư.

Họ nhận thấy khi các gen liên quan với autophagy bị bất hoạt trong các tế bào ung thư, nó ngăn không cho tế bào di chuyển.

"Chúng thật sự bị mắc kẹt. Qua kính hiển vi, bạn có thể thấy các tế bào cố gắng “cựa quậy” để thoát ra, nhưng không thể.", GS MacLeod nói.

Tế bào ung thư di chuyển bằng cách “bắn” protein “keo dính” ra trước, dính vào một cái gì đó bên ngoài và sau đó tự kéo mình lên phía trước. Sau khi tế bào đã đi qua chỗ dính, protein được tháo rời và bị tiêu hủy bởi autophagy. Nhưng nếu quá trình này bị gián đoạn, tế bào ung thư sẽ bị mắc kẹt, không thể gỡ chỗ dính ở đuôi của nó".

"Về cơ bản, các tế bào u thiếu autophagy không thể di chuyển và kết quả là không thể đi đến vị trí khác. Đây là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng ức chế autophagy có thể ngăn chặn sự di căn của khối u", GS MacLeod nói.

Nghiên cứu cho thấy ức chế autophagy có thể là "một cách tiếp cận hiệu quả" để ngăn chặn sự di căn của ung thư ở bệnh nhân.

Bài viết về kết quả nghiên cứu trên tạp chí Cell Reports lưu ý đã có những thuốc có khả năng phá vỡ quá trình autophagy. Một trong số đó là hydroxychloroquine, hiện đang được sử dụng tại Anh để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh sốt rét và các bệnh khác. Thuốc cũng đang được thử nghiệm lâm sàng để làm chậm sự tăng trưởng của khối u.

"Nhưng nó chưa được đánh giá cụ thể như một cách để ngăn chặn di căn," GS MacLeod nói.

Nell Barrie, giám đốc thông tin khoa học của tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, cho biết: Bệnh ung thư "khó khăn điều trị hơn nhiều" một khi nó đã di căn khỏi khối u. Nghiên cứu này cho thấy rằng một số thuốc hiện có có thể ngăn chặn quá trình “tái chế” bên trong tế bào ung thư, giúp chúng di chuyển. Đây là một cách tiếp cận thú vị còn đang trong giai đoạn đầu và sẽ cần tiếp tục thử nghiệm trước khi kết luận liệu nó có thể giúp giải quyết vấn đề di căn ở bệnh nhân ung thư hay không".

Cẩm Tú

Theo Independent