Phần 1: Tôi hành nghề bác sĩ... “dỏm”

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cách khám chữa bệnh “từ thiện không lấy tiền mà có nhiều tiền” của các vị bác sĩ “dỏm”. Có anh xe ôm, anh bốc vác mới hôm qua còn nghèo khó bỗng chốc trở thành “đại gia” có nhà lầu, xe hơi và được mọi người gọi là “bác sĩ”.

Đầu đuôi câu chuyện “động trời mà có thật này” là từ một quán ăn. Một phụ nữ đang mách nước cho một tay xe ôm làm... bác sĩ để đổi đời. Trong vai anh đạp xe ba gác, tôi lân la làm quen... Người phụ nữ đưa tôi cái danh thiếp hẹn gặp.

 

Làm “cò”...

 

Tôi tìm đến nhà cô B.N., theo địa chỉ ghi trên danh thiếp ở phường 17, quận Bình Thạnh. Ngay cổng nhà cô cũng để chữ “Cô B.N.”. Cô khoảng 55 tuổi, dáng hơi thấp. Không đợi tôi phải chờ lâu, cô B.N. ra điều kiện: “Muốn học làm “bác sĩ”, trước hết con phải học làm... “cò” cho cô, tức là lôi kéo bệnh nhân”.

 

Tôi ngồi im ra điều chăm chú. Cô B.N. dạy tôi tới các quán phở, cà phê, chỗ đông người, thấy ai đó đi cà nhắc là biết người đó... bị khớp; thấy họ đấm đấm vài cái vào lưng là biết họ đang bị... đau cơ; bóp bóp cái cổ là biết... đau cổ rồi... Nhiệm vụ của tôi là tiếp cận làm quen, sau đó giới thiệu những người này đến nhà cô nhưng phải nói là “cháu biết có cô bác sĩ này trị bệnh hay lắm, lại làm từ thiện, khám và cho thuốc không lấy tiền”.

 

“Tâm lý người già là cứ mời đến khám miễn phí là người ta đi liền”, cô B.N. quả quyết. “Con cứ dắt mối đi, sẽ có tiền thưởng”. Cô B.N. kể: Vừa rồi có tay xe ôm dẫn một người nước ngoài tới đây, được họ cho năm ngàn đô, dẫn hai người Việt Nam được cho năm triệu đồng. “Ngày trước thằng xe ôm nó đen, ốm nhom nhưng hôm nay mập và trắng tươi à, bởi vì nó qua làm chỗ cô lương cao lắm!”, cô B.N. huênh hoang.

 

Nhận xét đầu tiên của tôi là cô B.N. nói không biết... mỏi miệng. Và cũng “tâm lý” ra phết. Để đánh vào lòng ham muốn làm giàu của tôi, cô B.N. dạy thanh niên phải có ước mơ làm giàu, còn không có ước mơ là... vứt đi! “Làm thằng chở hàng như con là đồ bỏ”.

 

Để tạo niềm tin nơi tôi, cô B.N. bồi thêm: Cô sắp khởi công xây một ngôi nhà năm tầng để cho “tụi nó” (các bác sĩ “dỏm” - PV) làm ăn. Xây nhà xong, cô BN sẽ ra Phan Rang để “khám chữa bệnh và làm từ thiện”. “Con chỉ cần giới thiệu một người mua một cái máy là cô lời 400 ngàn đồng và con có thể trở thành... bác sĩ”! Cái máy mà cô B.N. nhắc tới là máy massage đa năng “Ứng dụng hiệu ứng từ trường” Quorum Global YF-T02A trị “bách bệnh” được bán với giá hai triệu đồng.

 

“Cô chữa bệnh bằng châm cứu à?”, tôi thắc mắc. Cô B.N. thản nhiên đáp: “Chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu nguy hiểm lắm. Giờ người ta bị HIV/AIDS là đổ thừa cho mình. Bạn cô có người bị rồi. Riêng cô bây giờ chỉ trị bệnh bằng bấm huyệt hà!”.

 

Học nghề

 

Sau hai tuần làm “cò”, tôi cũng đưa được vài ba người tới nhà cô B.N. Thấy cô B.N. đã có vẻ hài lòng, một hôm tôi mạnh dạn thưa: “Con suy nghĩ kỹ rồi. Tiền bạc để mua máy hành nghề không thành vấn đề, chỉ sợ con học không được nghề bấm huyệt, ra làm không được bà con tin tưởng...”. Nghe vậy, cô B.N. như bị chạm tự ái, nói: “Bấm huyệt dễ ợt hà. Thôi, để cô dạy cho”.

 

Cô B.N. bảo tôi tới ngồi trước. Việc thứ nhất là bắt mạch, đoán huyết áp. Theo cô, việc này rất dễ, không cần dùng ba cái máy “nhảy số lộn xộn”. Cô bày cho tôi khi người ta tới hãy vạch con mắt họ lên, nếu bên trong mắt đỏ lòm chứng tỏ huyết áp cao, hồng là bình thường và nhạt là huyết áp thấp. Bắt mạch ở cổ tay cũng dễ không kém. Dùng hai ngón tay để vào mạch, nếu mạch đập bình thường thì huyết áp bình thường, mạch đập nhanh, chậm không đều là huyết áp cao... Sau đó, cô yêu cầu tôi thực tập bằng cách coi mạch cho chính tôi, vạch hai con mắt của tôi.

 

“Tuyệt chiêu” trên tôi học chưa đầy hai phút là xong. Tuy vậy không “đẳng cấp” bằng chẩn đoán bệnh bằng coi lòng bàn tay theo kiểu “nam tả nữ hữu”. Cô B.N. nói bệnh của ai cũng nổi hết lên chỉ tay. Chúng tôi ra vẻ tò mò muốn biết “bí quyết” này. Lật ngửa bàn tay trái của tôi, cô B.N. xem chưa đầy phút là phán: “Con thường hay giật mình khi có tiếng động. Đặc biệt, người con thiếu nước và chỉ uống nước khi nào... khát, còn chưa khát là... chưa uống.

 

Thỉnh thoảng tay, chân con hay ra mồ hôi chứng tỏ con bị bệnh... phong thấp. Thỉnh thoảng mắt con có hai dòng kẻ là... cơ mắt yếu. Bao tử thỉnh thoảng ợ chua, còn táo bón... Cô nói có đúng không?”. Chúng tôi hưởng ứng: “Cô nói đúng 99,9% luôn!”. Cô B.N. mỉm cười vẻ đắc chí: “Con chỉ cần nói đúng 80% là người ta phục sát đất, không những cho tiền mà còn mua máy giúp con kiếm thêm tiền nữa!”.

 

“Nhưng lỡ con đoán không ra bệnh thì sao?”, tôi rụt rè hỏi. “Nếu con chẩn đoán không ra bệnh thì lấy cớ đi... nghe điện thoại hay đi... vệ sinh rồi vào trong nhà lật “cuốn sách” (cuốn sách chỉ các huyệt đạo đi kèm theo máy hiệu ứng đa năng khi mua - PV) ra, theo đó mà làm”, cô B.N. bật mí.

 

Theo cô B.N., với người già, tôi chỉ cần học thuộc bốn loại bệnh: một là bệnh khớp, vì người già hết... chất nhờn, có chiếc máy đa năng sẽ tạo chất nhờn; thứ hai là bệnh thận; thứ ba là bệnh huyết áp và cuối cùng là bệnh hoại tử xương. “Chỉ cần “hù” bấy nhiêu bệnh đó thôi là người ta sợ khiếp vía, lúc đó tha hồ mà trị bệnh và bán máy, bán cả thuốc để lấy tiền”, cô B.N. hài lòng vì “trình độ” tiếp thu bài khá nhanh của cậu học trò.

 

Và bí quyết khi hành nghề

 

Bước cuối cùng là bí quyết hành nghề khám bệnh “từ thiện mà có nhiều tiền”. Theo chỉ dạy của cô BN, trước khi bắt đầu “hành sự” thì chuẩn bị sẵn một cái thùng giấy như kiểu thùng đựng tiền quyên góp. Trên mặt thùng khoét một cái lỗ và bỏ vào tờ 20 ngàn đồng, một nửa ở trên, nửa dưới như kiểu mới có người vừa nhét tiền vào.

 

“Mình phải đánh vào tâm lý người ta. Chẳng lẽ ai lại đến khám, thấy người khác bỏ tiền vào mình lại không bỏ, ít nhất cũng được 20 ngàn đồng/người. Lỡ người ta hỏi lấy bao nhiêu thì cứ trả lời là con chữa bệnh bằng máy và có thuốc, bà con cô bác muốn cho bao nhiêu thì tùy hảo tâm. Người nào nghe vậy mà te te đi về là khùng rồi!”, cô B.N. nói.

 

Trong lúc cao hứng, cô B.N. bắt đầu kể về “thằng học trò bốc vác làm ở Cảng Sài Gòn”. Năm ấy cô đi Vũng Tàu, gặp anh ta ở bến Bạch Đằng, người gầy gò, ốm yếu. Cô bảo có muốn đổi đời không, anh ta đáp muốn. Thế là anh ta được cô dạy làm “bác sĩ”. Mỗi ngày anh ta chỉ làm từ năm đến tám giờ tối mà kiếm được những 800 ngàn đồng, tháng kiếm được khoảng vài chục triệu đồng.

 

Giờ đi đâu người ta cũng gọi là “cậu chủ” và “bác sĩ”, mặc áo “bờ lu” đàng hoàng, ngồi trong phòng làm việc rất oách. Tuy nhiên, khi tôi hỏi anh ta ở đâu để tới học hỏi, cô B.N. cho biết anh ở tận... Phú Thọ và cô hẹn sẽ cho tôi “tầm sư học đạo” khi nào có dịp thuận tiện.

 

Theo Kim Duy

Pháp luật TPHCM