Phải có giấy phép mới được thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30 về khám chữa bệnh nhân đạo. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo phải có giấy phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế, văn bản chứng minh có nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.

Phải có giấy phép mới được thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo


Theo thông tư này, với hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám bệnh phải là bác sỹ (lương y) có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp. Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề...

Bộ Y tế sẽ có thẩm quyền cho phép hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho cá nhân, đoàn khám bệnh trong, ngoài nước tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế. Lãnh đạo Bộ, ngành cho phép cá nhân, đoàn khám chữa bệnh nhân đạo trong nước, nước ngoài tổ chức khám chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý; Còn hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở y tế tỉnh, thành phố sẽ do Sở Y tế cấp phép...

Cũng theo thông tư này, nếu các đoàn khám chữa bệnh nhân đạo đến khám tại các cơ sở y tế thì cơ sở phải có giấy phép khám chữa bệnh. Nếu khám tại các địa điểm khác thì nơi đó phải có nơi tiếp đón, buồng khám bệnh các chuyên khoa, buồng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), buồng cấp cứu - lưu bệnh; Tại nơi diễn ra hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy; Bảo đảm đủ điện, nước và các điều kiện khác phục vụ việc khám chữa bệnh nhân đạo.

Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; tổ chức, cá nhân thực hiện phải gửi báo cáo kết quả hoạt động đến Bộ Y tế hoặc Sở Y tế hoặc Bộ, ngành cấp phép tổ chức hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo này.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10 tới sẽ thay thế cho thông tư 01 ban hành vào năm 2002. dự kiến sẽ thay thế cho quy định ban hành từ 2002 về hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, trong đó điểm khác biệt cơ bản là có quy định rõ ràng, tách biệt về điều kiện hoạt động cho các đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo và các cơ sở khám chữa bệnh có địa điểm cố định. Thông tư cũ mới chỉ quy định cho các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo tại một địa điểm cố định.

Thông tư mới này được hoàn thiện và ban hành ngay sau khi xảy ra vụ 3 trẻ tử vong sau mổ nhân đạo hở hàm ếch tại Khánh Hòa do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân Y 87 (Khánh Hòa) tổ chức.

Đáng nói, Trung tâm OSCA chưa từng được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động khám chữa bệnh. Giám đốc Trung tâm này là ông Phạm Văn Ái – là bác sĩ từng khiến một bệnh nhân nữ tử vong năm 2011 khi phẫu thuật nâng ngực “chui” tại thẩm mỹ viện do ông làm chủ. Cơ quan chức năng đã tranh luận về tính pháp lý của Trung tâm OSCA khi tổ chức hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo mà Trung tâm chưa từng được cấp phép khám chữa bệnh.

Hồng Hải