“Ở đây cho thuê bụng!"

Đến khu vực Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đánh tiếng nhờ cánh xe ôm và mấy bà hàng nước tìm giúp người đẻ thuê, chưa đầy 24 giờ sau, điện thoại tôi rung lên với dòng tin nhắn từ số máy lạ: “Đúng 6h tối ra quán cà phê vỉa hè... đường CMT 8, Q10 để gặp người nhờ đẻ...”.

“Cò” đẻ và đường dây “thuê bụng”

 

Tiếp tôi tại địa chỉ trên là một phụ nữ tên Tư, trạc 50 tuổi, người phốp pháp. Bà Tư cho biết Hải (một người chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Từ Dũ) đã cung cấp số điện thoại của tôi cho bà. “Tôi phải mất cho Hải 100 ngàn đồng đấy!”, bà nói. Biết bà “cò” này đang nhắc khéo, tôi hứa sẽ trả lại số tiền đó và bồi dưỡng thêm nếu giới thiệu được nhiều “mối” đẻ thuê.

 

Không rào trước đón sau, bà Tư vô đề ngay: “Thời buổi vật giá leo thang, giá đẻ bình quân 50 triệu đồng. Các khoản phát sinh khác như khám thai, dưỡng thai, xét nghiệm, sinh nở... cậu phải lo. Công tôi giới thiệu là hai triệu đồng. Nếu chọn cô nào thì giao tiền cho tôi một cục, coi như xong. Phần còn lại cậu thỏa thuận thêm với người đồng ý đẻ thuê. Khi đi nhớ chở vợ theo để ba mặt một lời, sau này đỡ rối rắm!”, bà ta nói một hơi, giọng tỉnh rụi. Theo thông tin từ bà “cò” đẻ thuê này, nhiều cặp vợ chồng cưới đã lâu nhưng không có con mà nguyên nhân ở các bà vợ. Sợ chồng léng phéng, hao sức, tốn tiền với “phòng nhì” nên các bà đã nghĩ ra cách tìm người để thuê... bụng. Từ đó, dịch vụ này đã ngày càng phát triển. “Không chỉ những em nghèo ở các tỉnh mà nhiều cô gái ở thành phố cũng ưng đẻ thuê. Nghề này có khắp nơi rồi, cậu ơi...”, bà Tư gằn giọng.

 

Cũng theo bà “cò” Tư, dịch vụ đẻ thuê hình thành ở TPHCM khá lâu, khoảng năm 2000. Thời điểm này xuất hiện những đường dây đẻ thuê và hoạt động khá rầm rộ, nhất là quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Dĩ An (Bình Dương) và Thủ Đức (TPHCM). Dịch vụ môi giới (còn gọi “cò” đẻ) cũng ăn theo từ đó để kịp thời giới thiệu người đẻ thuê cho khách hàng. Thông thường cò chỉ ăn tiền của khách, còn người đẻ thuê muốn cho bao nhiêu thì tùy nhưng không dưới một triệu đồng.

 

Sau này, do kiểm soát gắt gao của công an địa phương nên phần lớn “cò” đẻ thuê đã rút vào hoạt động kín. Tuy nhiên, nếu khách chịu khó dò hỏi xe ôm hoặc người buôn bán cạnh các bệnh viện phụ sản, các khu công nghiệp, khu chế xuất... sẽ dễ dàng nhận được những tín hiệu “ở đây có cho thuê bụng”. Những người nhận giúp đỡ đó sẽ sang tay số điện thoại của khách cho “cò” để ăn hoa hồng, còn chuyện liên hệ với khách để giới thiệu người đẻ thuê sẽ do “cò” lo.

 

Thấy tôi còn lừng khừng, “cò” đẻ Tư lấy “thâm niên” của mình ra khoe: “Tôi làm “cò” bảy năm rồi. Trước đây mỗi ngày được bốn, năm mối. Giờ thì ít hơn nhưng ngày nào cũng có người hỏi hết...”. Sau khi tôi đồng ý để bà môi giới, bà Tư hẹn ngày mốt sẽ dắt đi gặp người đẻ thuê.

 

“Hợp đồng” thuê đẻ

 

Đúng hẹn, tôi cùng một cô bạn giả làm vợ chồng đến gặp “cò” đẻ Tư tại địa điểm cũ. Sau khi dò xét vợ chồng tôi từ đầu đến chân, bà Tư kêu chúng tôi chạy xe theo bà tới Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) để gặp người đẻ thuê. Vòng vèo một hồi quanh khu nhà trọ gần đấy, “cò” Tư đưa chúng tôi đến một căn nhà nhỏ, khá vắng vẻ rồi nói như ra lệnh: “Cô cậu vào trong bàn bạc với Liên, tôi chờ bên ngoài”.

 

Liên, người sẽ đẻ thuê cho “vợ chồng” tôi độ chừng 26 tuổi, ngoại hình dễ nhìn. Không một chút e ngại, cũng chẳng kể lể gia cảnh nghèo khó, túng bấn, Liên vào thẳng vấn đề: “Em nghe bà Tư báo hôm nay anh chị đến tìm người đẻ thuê. Em sẽ làm điều đó”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước thái độ dửng dưng của mình, Liên cười, nhún vai: “Cùng hoàn cảnh nên chẳng có gì ngại ngùng! Em cần tiền, anh chị cần con. Chúng ta trao đổi sòng phẳng vậy mà! Em đã đẻ thuê hai lần rồi nên không lạ chuyện này” - Liên nói, giọng lạnh lùng. Sau một hồi thương lượng, chúng tôi đồng ý thuê Liên đẻ con cho mình với giá 50 triệu đồng (Liên “chào giá” 60 triệu đồng - PV). Nếu cấn bầu, Liên sẽ được nhận trước 20 triệu đồng và làm giấy nợ lại 30 triệu đồng. Số tiền này chúng tôi sẽ giao cho Liên khi đã nhận được con.

 

“Trong trường hợp em bỏ trốn, không giao con cho chúng tôi thì sao?” - tôi thắc mắc. Liên nhếch mép cười, rồi lẳng lặng đi đến mở tủ quần áo lấy chứng minh nhân dân đặt lên bàn, nói: “Địa chỉ nhà em đây, có gì anh chị đến méc với ông bà già em. Nói anh chị thương, không chồng mà có con là ba má “cạo đầu khô”, láng giềng chê cười chứ tốt đẹp gì mà giật con! Hơn nữa, giữ con lại lấy gì em nuôi?”.

 

Cũng theo điều kiện đẻ thuê mà Liên đưa ra, trong thời gian mang thai, nếu chẳng may sẩy thai thì sẽ ngưng “hợp đồng”, không ai đền bù cho ai. Điều khoản này cũng được áp dụng khi bệnh viện buộc Liên phải bỏ thai do phát hiện bị bệnh Down hoặc có dị tật sứt môi, chân khoèo... Trường hợp sinh hai, sinh ba thì chúng tôi chẳng những phải nhận hết con mà còn bù thêm năm triệu đồng cho mỗi đứa. Liên có mệnh hệ gì trong lúc sinh, chúng tôi phải cam đoan lo hậu sự hoặc đứa con không sống được, chúng tôi phải trả nửa số tiền còn lại.

 

Khi người bạn gái đi cùng tôi đề nghị Liên phải thử máu xem có nhiễm HIV không, cô gật đầu cái rụp, không mảy may tự ái. Thêm một điều kiện cuối cùng Liên yêu cầu “vợ chồng” tôi là tôi chỉ được “quan hệ” khi cô đã canh thời điểm thụ thai có thể xảy ra. “Nếu có dấu hiệu đậu thai thì ngưng, đề phòng anh đây lợi dụng, ngày nào cũng “đòi” thì... thiệt em quá!”, Liên thẳng thừng nói.

 

Lấy lý do phải về xin phép cha mẹ hai bên lần nữa, chúng tôi hẹn tuần sau quay lại...

 

(Còn nữa)

 

Theo Pháp luật TPHCM