Nước súc miệng tiện nhưng chưa lợi

Mỗi ngày, có tới hàng triệu triệu người sử dụng các sản phẩm nước súc miệng như là một “nhiệm vụ bắt buộc” trong công việc vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, một câu hỏi luôn được đặt ra là nước súc miệng thật sự có công trong “công cuộc” chăm sóc răng miệng hay không?

 

Nước súc miệng tiện nhưng chưa lợi  - 1


Phân loại nước súc miệng

 

Nước súc miệng là những dung dịch lỏng và có nhiều công dụng khác nhau. Một vài loại nước súc miệng có hiệu quả trong việc che dấu hơi thở “khó ưa” bằng cách loại bỏ một số loại vi khuẩn. Một số loại nước súc miệng khác thì có chứa fluoride nhằm mục đích làm chắc răng và ngăn ngừa sâu răng. Những thành phần chính có trong các loại nước súc miệng gồm những chất như sau:

 

- Chất kháng vi sinh vật như: cetylpyridinium chloride, chlorhexidine, các hợp chất phenolic. Những chất này có nhiệm vụ làm giảm số lượng các loại vi khuẩn có trong miệng.

 

- Các tác nhân oxy hóa và khử mùi như: sodium bicarbonate, chlorine dioxide có tác dụng che giấu và khử mùi hôi trong miệng.

 

- Tác nhân cung cấp oxy như: hydrogen peroxide giúp tiêu diệt những vi khuẩn kỵ khí bằng cách cung cấp oxy để tiêu diệt chúng.

 

- Fluoride: có tác dụng làm chắc răng và ngăn ngừa sâu răng.

 

- Tác nhân giảm đau: có chứa những chất giảm đau dành cho những răng bị đau, tê (tại Úc, những loại thuốc súc miệng này phải được nha sĩ kê toa).

 

- Tác nhân “đệm”: là một dung dịch “đệm” để giảm đau ở những mô mềm, làm giảm độ acid có trong miệng và làm hòa tan những lớp màng mỏng bám vào những niêm mạc miệng. Những sản phẩm nước súc miệng được bán rộng rãi ở siêu thị thường có chứa một hàm lượng lớn chất cồn (ethanol) với tỉ lệ biến đổi từ 6-27%. Nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài, nước súc miệng có thể gây cảm giác nóng rát ở má trong, nướu, lưỡi... Chất cồn còn gây nên tình trạng khô miệng vốn càng làm tăng thêm nguy cơ bị sâu răng. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ không khuyến khích sử dụng nước súc miệng như là một phương pháp đơn lẻ để duy trì vệ sinh răng miệng mà nên “hiệp lực” với những phương pháp khác như: việc chải răng và dùng chỉ răng.

 

- Tác nhân kháng nha chu như zinc citrate.

 

Hiệu quả và hậu quả

 

Một cách cơ bản, có thể phân loại nước súc miệng dưới hai dạng là nước súc miệng dạng thẩm mỹ và nước súc miệng dạng điều trị. Nước súc miệng dạng thẩm mỹ có vai trò chính là che dấu hơi thở hôi và loại bỏ những mảng bám ở răng nướu. Cũng có một số loại nước súc miệng dạng thẩm mỹ có chứa những tác nhân làm trắng răng.

 

Những nước súc miệng dạng này chỉ đơn thuần có vai trò thẩm mỹ chứ không có tác dụng ngăn ngừa sâu răng. Trong khi đó thì nước súc miệng dạng điều trị được bào chế với những thành phần công thức có thể giúp ngăn ngừa hoặc trị liệu những bệnh về răng miệng. Đây là những loại nước súc miệng tương đối “nặng đô” và không được dùng cho trẻ em vì chúng có thể nuốt vào bụng.

 

Các chuyên gia răng miệng cho rằng, tính hiệu quả của nước súc miệng tùy thuộc vào cách sử dụng chúng. Nếu sử dụng không đúng cách thì cũng như… nước đổ đầu vịt. Chẳng hạn như một loại thuốc súc miệng có chứa fluoride nhằm ngăn ngừa sâu răng, nếu đem dùng vào mục đích loại bỏ những mảng bám ở răng thì trở nên vô dụng. Trong trường hợp này, sử dụng nước máy còn hiệu quả hơn.

 

Dù được cho là an toàn, tuy nhiên nước súc miệng vẫn gây nên những tác dụng phụ cho người sử dụng, thường gặp nhất là những tác dụng phụ như: ố răng, hư những mảnh trám răng, rối loạn vị giác, nha chu, kích ứng miệng, lưỡi…

 

Nước súc miệng không thể thay thế cho việc đánh răng

 

Trước đây, người ta ngộ nhận rằng chất cồn có trong nước súc miệng có thể tiêu diệt những vi khuẩn gây hôi miệng. Thực ra, chất cồn chỉ có thể “cảm hóa” những hợp chất sulfur được tạo ra bởi vi khuẩn gây hôi miệng. Thay vào đó, chất cồn sẽ đi “săn lùng” những vi sinh vật có lợi mà cơ thể cần. Những vi khuẩn gây hôi miệng khó sống trong môi trường ẩm ướt. Do chất cồn làm mất nước, gây khô miệng, tạo điều kiện cho những vi sinh vật gây hôi miệng có đất “hành nghề”. Sự khô miệng còn gây nên những tác hại khác cho răng miệng như: tăng nguy cơ nhiễm nấm, sâu răng, các bệnh về nướu, hơi thở hôi, chứng khó nuốt.

Cẩn trọng với trẻ em

 

Nước súc miệng được chứa trong những chai đủ lớn có thể là “sát thủ” đối với trẻ em. Khi trẻ em nuốt nước súc miệng có nồng độ cồn cao với một số lượng lớn, trẻ em có thể bị lên cơn co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong. Trung tâm Kiểm soát Độc chất Hoa kỳ đã báo cáo có hơn 10 ngàn trường hợp trẻ em nuốt phải nước súc miệng và đã xảy ra một số trường hợp tử vong. Vì vậy, không bao giờ để nước súc miệng trong tầm với trẻ em.

 

Đã có nhiều khuyến cáo rằng, nồng độ chất cồn cao có trong nước súc miệng cũng có liên quan đến ung thư miệng, nguy cơ càng tăng nếu người sử dụng nghiện rượu và thuốc lá. Nồng độ cồn có trong nước súc miệng được cho là cao khi cồn chiếm tỉ lệ trên 25% (theo thể tích).

 

Các nhà sản xuất cũng đã “màu mè hoa lá” cho các loại sản phẩm của họ để tạo cảm giác tin tưởng ở người tiêu dùng. Chẳng hạn như màu xanh da trời làm cho người ta nghĩ đến sự tươi mát, màu xanh lá cây thì tạo cho người dùng một cảm giác the của hương vị bạc hà, màu đỏ thì làm cho người tiêu dùng có cảm giác rằng sản phẩm này sẽ có tác động tức thời và hiệu quả tối đa…. Thực chất, các loại phẩm màu trong nước súc miệng không có một giá trị sức khỏe nào cho răng miệng. Trái lại, nó càng làm cho răng chúng ta nhanh chóng bị ngả màu.

 

Để chăm sóc sức khỏe răng miệng. Tốt nhất là cứ theo cách cổ điển, chải răng đều đặn và đúng cách, thường xuyên sử dụng chỉ răng. Nước súc miệng không thể thay thế việc đánh răng và chỉ được dùng một cách hạn chế trong những trường hợp “khẩn cấp”. Nếu phải dùng, nên chọn những loại nước súc miệng có nồng độ cồn thấp, tốt nhất là dung dịch trong suốt, không “màu mè”.

 

Theo DS. Nguyễn Bá Huy Cường

ĐH Dược Murdoch - Úc/SKĐS