Nỗi lo máu “cạn kho” ngày Tết

(Dân trí) - Khớp gối xưng vù vì bị chảy máu trong, đau đớn không thể đi lại nhưng cậu bé Nguyễn Văn Hải (13 tuổi) phải đợi 3 ngày mới được truyền... 50ml máu.

Nỗi lo máu “cạn kho” ngày Tết - 1
Bệnh nhi Hải chỉ biết nằm chờ... máu  (Ảnh: H.Hải)

Khắc khoải chờ… máu

Trong khi đó, với tình trạng của em, bác sĩ nói phải truyền 2 đơn vị máu mới đủ. Nhưng vì thiếu máu, em chỉ được truyền 1/10 trong tổng nhu cầu đó. Lo lắm, thương con lắm, nhưng nhà neo người, chỉ có mình chị đi chăm con nên dù chị đã xin bác sĩ cho được thử máu để truyền cho con, nhưng bác sĩ chưa đồng ý. Con mình nằm đấy, đau nhức, không thể tự bước đi. Dù chỉ có một tí máu, cháu cũng sẽ đỡ hơn rất nhiều. Nhưng đành phải trông chờ, vì ngay tại kho máu của Viện cũng đang cạn kiệt”, vừa kể về bệnh tình của con, chị Kiều Thị Thắm vừa khóc.

ThS. Nguyễn Thị Mai (Trung tâm điều trị Hemophilia - Viện Huyết học và truyền máu TƯ), người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân này cho biết, có kể cũng không hết được những trường hợp người bệnh cần máu phải đợi chờ khổ sở, đau đớn như thế nào. “Như vừa mới đây, có những bệnh nhân nhập viện do bị xuất huyết tiêu hoá. Lượng máu mất ồ ạt khiến bệnh nhân chỉ còn 1/3 lượng máu so với bình thường. Cố gắng lắm bệnh viện mới huy động đủ lượng máu cấp cứu cho bệnh nhân này qua cơn nguy kịch. Nhưng sau đó, họ vẫn phải dặt dẹo nằm viện cả tháng trời, vì không có máu truyền tiếp, cứ ngồi dậy, đứng lên là bị choáng, ngã dúi dụi…

Biết là nếu được truyền 1 - 2 đơn vị máu nữa thì bệnh nhân sẽ đỡ mệt mỏi, nhưng chẳng thể “ưu tiên” nổi vì dù sao, bệnh nhân cũng đã qua thời điểm cấp cứu, lại phải dành máu để cấp cứu cho các trường hợp nguy kịch hơn”, Ths Mai chia sẻ.

Ngay cả với bệnh nhân Hemophilia, phải chờ đợi máu, khiến người bệnh đau đớn kéo dài. Nguy hiểm hơn, tình trạng chảy máu kéo dài tại khớp gây biến dạng khớp, khiến bệnh nhân phải chịu những biến chứng lâu dài không thể hồi phục được, gây tàn tật. Đã từng có bệnh nhân bị chảy máu khớp chân, sau biến dạng gây tàn tật không tự đi lại được, phải dùng nạng gỗ. Hậu quả là hai khớp vai trước vốn rất bình thường, thì nay cũng thường xuyên bị chảy máu do phải tiếp xúc với nạng. “Biết rõ nguy cơ, nhưng vẫn phải chờ, biết làm sao được”, Ths Mai đau xót nói.

Để giải quyết tình trạng thiếu máu cục bộ này, nhiều bệnh nhân khi cần máu phải huy động người nhà lên hiến máu. Vì thế, những ngày này, đến Viện Huyết học và truyền máu T. Ư dễ dàng bắt gặp từng nhóm 3 - 5 người ngồi lụi cụi điền các thông tin để hiến máu cho người nhà.
 
Nỗi lo máu “cạn kho” ngày Tết - 2
Rất nhiều người nhà bệnh phân phải vượt cả chặng đường xa lên viện hiến máu cho người thân (Ảnh: H.Hải)

Ngồi đợi ở phòng hiến máu, chúng tôi gặp bà Lê Thị Cải (52 tuổi) và hai con trai đang đợi hiến máu để truyền cho cha bị bệnh tán huyết mãn. “Ông nhà tôi nhập viện đến cả tuần rồi, mà do thiếu máu nên cũng chỉ được truyền cầm chừng. Hai con đi làm xa, tôi đã phải gọi chúng về để đến viện lấy máu truyền cho cha. Vừa sáng nay, 3 mẹ con lóc cóc từ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) bắt ô tô lên viện. Hai thằng cứ ngăn không cho mẹ thử máu vì tôi già rồi, sức khoẻ yếu. Nhưng nếu chỉ hai đứa làm sao đủ được, nên tôi cũng đề nghị bác sĩ cho mình lấy máu mới hi vọng đủ truyền trong vài ngày cho chồng”, bà Cải nói.

Mong lắm những tấm lòng

“Trong những ngày cuối tháng 12, đầu tháng 1, số máu trong kho giảm từng ngày. Từ hơn 1400 đơn vị hôm 3/1, thì đến 8/1, toàn kho máu của bệnh viện chỉ còn đúng 858 đơn vị máu. Tuy nhiên con số này vẫn có thể coi là “cạn kho” vì đến ¾ là nhóm máu B, còn lại chỉ 8 đơn vị máu nhóm O, 11 đơn vị nhóm A. Con số này nếu chỉ dùng điều trị cho 188 bệnh nhân tại viện cũng chưa đủ, nói gì đến việc cấp cho các bệnh viện khác”, Ths Bạch Quốc Khánh, Phó Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu T. Ư nói.

Vì thế, không có cách nào khác, bệnh viện phải “tiết kiệm” điều trị. Như trong ngày đầu tuần, cả viện chỉ phát đi 67 đơn vị máu điều trị, trong khi đó, nếu điều trị đúng theo chỉ định, con số này sẽ phải gấp đôi.

Ths Khánh cho biết, ở bất cứ thời điểm nào, máu dự trữ dành cho việc cứu sống bệnh nhân luôn là “của hiếm”. Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt gần Tết như hiện nay, lượng máu thu gom được giảm đột ngột, do học sinh, sinh viên tình nguyện - đối tượng cung cấp đến 80% lượng máu, đang trong giai đoạn tập trung thi hết kỳ nên không tham gia hiến máu. Một khó khăn nữa trong công tác thu gom máu là do thời gian bảo quản máu chỉ từ 35 - 42 ngày nên không thể tiến hành lấy máu sớm hơn.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm máu “cạn kho” nhất. Mà ở trước và sau Tết nguyên đán 2 tuần mới là đỉnh điểm. Năm nào Viện cũng cố gắng thu gom thêm ở nhiều đối tượng, trước Tết, rồi đến tận ngày 29, 30 Tết mà vẫn không xuể. Nên cứ bước vào thời điểm toàn viện đi làm (mùng 3, mùng 4) thì toàn thể nhân viên bệnh viện đều “khai xuân” bằng cách hiến máu của mình để cho người bệnh điều trị.

Theo Ths Khánh, nguyên nhân xâu xa của tình trạng thiếu máu là do phong trào vận động hiến máu chưa bền vững. Điều đó, thể hiện ở chỗ lực lượng hiến máu nòng cốt vẫn là sinh viên, học sinh. Và đối tượng này thì phần lớn vẫn chỉ 1 lần cho máu chứ rất ít hiến máu lặp lại. Vì thế, hiện để phong trào bền vững hơn, ngoài vận động học sinh sinh viên, Viện đang đi vào lớp cán bộ công nhân viên, nhân dân các phường xã… Nếu chỉ 1% người Hà Nội tham gia hiến máu một năm 2 lần thì sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điều trị”, Ths Khánh nói.

Và ở thời điểm này, để tiếp tục thu gom máu, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư vẫn cặm cụi tổ chức các xe lưu động đi thu gom máu tại các tỉnh thành, tại các điểm thu gom trên địa bàn Hà Nội… Mong lắm những tấm lòng tham gia hiến máu để những cứu giúp những người bệnh đang khắc khoải ngày ngày chờ máu điều trị.
 
 

Hiến máu không gây hại cho sức khoẻ. Bởi trong cơ thể con người, khả năng sinh máu của tủy xương là rất lớn, có thể gấp 4-10 lần so với nhu cầu bình thường của cơ thể. Do vậy, một người trưởng thành khỏe mạnh nếu hiến không quá 1/13 lượng máu trong cơ thể (hoặc không quá 9 ml/kg cân nặng) thì hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Khi lượng máu được lấy ra, tuỷ xương lại được kích thích sản sinh thêm máu. Những người khỏe mạnh, từ 18 đến 60 tuổi, cân nặng trên 45kg đối với nam và từ 18 đến 55 tuổi, cân nặng trên 40kg đối với nữ đều có thể hiến máu. Lượng máu hiến mỗi lần là 1 đơn vị máu, tương đương 250ml - 350ml.

 
 
Hồng Hải