Nổi ban đỏ, lột da khắp cơ thể vì dị ứng thuốc, mỹ phẩm

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng nổi ban đỏ, kèm mụn nước, bóng nước, lột da, hoại tử... bác sĩ xác định bệnh nhân bị hội chứng Steven Johnson do dị ứng với thuốc điều trị gout. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một nữ bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Hiểm họa từ dị ứng thuốc và mỹ phẩm

Ngày 5/12, thông tin từ BS Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay, tuần qua phòng khám liên tục tiếp nhận 2 bệnh nhân bị dị ứng rất nặng. Người thứ nhất là bệnh nhân nam (55 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến khám vì nổi ban đỏ ở da, kèm các mụn nước, bóng nước, nhiều chỗ đã trợt da gây hoại tử. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn viêm loét ở miệng và bộ phận sinh dục.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nổi ban đỏ, bóng nước toàn thân
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nổi ban đỏ, bóng nước toàn thân

Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, bác sĩ được người bệnh cho biết, trước đó có sử dụng một loại thuốc dùng cho người bệnh gout. Sau khi dùng khoảng 20 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nổi ban đỏ, tình trạng ngày càng nặng thêm nên buộc phải đến bệnh viện điều trị.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (42 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đến khám vì có các thương tổn da tương tự bệnh nhân trên. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó người bệnh có sử dụng một loại kem thoa da không rõ nguồn gốc với mục đích tẩy tế bào chết, làm trắng mịn da. Sau khi dùng liên tục 10 ngày, người bệnh bắt đầu có biểu hiện bệnh ngứa, nổi ban, nổi bóng nước.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định cả 2 bệnh nhân cùng bị hội chứng Steven Johnson. Trong đó, nam bệnh nhân mắc hội chứng do dị ứng với thuốc điều trị gout còn nữ bệnh nhân dị ứng với mỹ phẫm. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc, kết hợp với chăm sóc, điều trị vùng da bị trợt gây nhiễm trùng. Sau hơn 1 tuần điều trị, cả hai bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng dị ứng và được xuất viện với sức khỏe ổn định.

Bệnh lý cấp tính cần đến bệnh viện sớm

Phân tích chuyên môn của BS Trần Thiên Tài chỉ ra, Steven Johnson là một hội chứng có đặc điểm nổi bật là các tổn thương ở da, niêm mạc xảy ra cấp tính với tình trạng hoại tử lan rộng, bóc tách lớp thượng bì (tổn thương da thường < 10% diện tích cơ thể), nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp trong nhóm từ 25 đến 47 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ với tỷ lệ mắc mới mỗi năm khoảng 1,1/1.000.000 người. Khoảng 5% số bệnh nhân tử vong do không được chăm sóc, điều trị kịp thời. Tại Việt Nam, đến nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng trong thực hành lâm sàng thường ngày, các bác sĩ ghi nhận tỷ lệ người bệnh bị Steven Johnson đang có xu hướng ngày càng gia tăng do việc sử dụng thuốc bừa bãi, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Hội chứng Steven Jonhson do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần nhận biết để phòng tránh
Hội chứng Steven Jonhson do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần nhận biết để phòng tránh

Cũng theo BS Thiên Tài, có 4 nguyên nhân gây ra hội chứng Steven Johnson, một là: do dị ứng thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc điều trị gout, thuốc kháng viêm giảm đau, vaccin..); hai là: do nhiễm trùng, nhiễm siêu vi (herpex, coxsakies, influeza, virus viêm gan, Epsein – Barr virus, enterovirus, liên cầu nhóm A…); ba là: do bệnh lý ác tính, còn lại là vô căn.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh bao gồm các triệu chứng ở toàn thân như sốt, mệt mỏi, ho, viêm họng, đau khớp, nôn ói, tiêu chảy; trường hợp nặng có thể thay đổi ý thức, lơ mơ, hôn mê. Các triệu chứng ở da niêm như các hồng ban đa dạng ở da, niêm mạc, nhiều mụn nước, bóng nước, có nhiều chỗ trợt và hoại tử da, tổn thương dạng hình bia không điển hình, kèm theo đó là những tổn thương niêm mạc lan tỏa gây viêm lở loét các hốc tự nhiên, thường từ 2 hốc trở lên như viêm loét chảy máu trong miệng và quanh miệng, viêm kết mạc, chảy máu dưới kết mạc, loét giác mạc, viêm đường sinh dục tiết niệu. Về vị trí tổn thương, lúc đầu đối xứng ở 2 tay, 2 chân, mặt, phần trên thân người, sau diễn tiến lan rộng ra toàn thân. Diện tích tổn thương thường < 10% cơ thể.

Việc điều trị cho hội chứng Steven Johnson gần giống điều trị cho một người bệnh bỏng vì Steven Johson gây ra tình trạng hoại tử da nặng nề, đe dọa tử vong. Người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm bằng các phương pháp như điều trị nâng đỡ như bồi hoàn đầy đủ nước và điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vùng da và niêm mạc bị trợt, hoại tử, ngoài ra còn điều trị bằng các thuốc corticoide, ức chế miễn dịch, Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch,…

Những người bệnh bị Steven Johnson cần phải nhập viện sớm để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Sau khi tình trạng đã ổn định, bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân để cảnh báo cho người bệnh. Đối với những trường hợp bị dị ứng thuốc, cần xác định loại thuốc bị dị ứng và sau khi xuất viện, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh tuyệt đối không được sử dụng lại loại đã gây dị ứng.

Vân Sơn