Những trải nghiệm khó quên đầu tiên của bác sĩ trẻ nơi vùng cao

(Dân trí) - Những trải nghiệm sau hành trình về Mù Cang Chải (Yên Bái) tham dự Lễ ra quân đưa bác sĩ trẻ vùng núi, vùng khó khăn sẽ mãi là những kỉ niệm không thể quên với các bác sĩ trẻ.

4h chiều ngày 20/2, vừa có mặt tại BV đa khoa huyện Mù Cang Chải sau 7 tiếng trên xe, vượt qua chặng đường hơn 300km từ Hà Nội lên Mù Cang Chải, chàng bác sĩ trẻ Phạm Mạnh Toàn đã được giao nhiệm vụ mổ cấp cứu một ca chửa ngoài tử cung đã vỡ vừa được chuyển đến bệnh viện.

Những trải nghiệm khó quên đầu tiên của bác sĩ trẻ nơi vùng cao

BS Phạm Mạnh Toàn (người đeo kính cận) tham gia mổ cấp cứu ca bệnh chửa ngoài tử cung đã vỡ cho một sản phụ người dân tộc ngay khi vừa đặt chân đến Mù Cang Chải. Ảnh: H.Hải

Hơi bất ngờ khi vừa dừng chân sau chặng đường đèo dốc khúc khuỷu của miền Tây Bắc đã được giao nhiệm vụ, nhưng Toàn đã gật đầu, tự tin. Chỉ kịp uống vội ngụm nước, rửa tay, thay quần áo mổ, cậu cùng bác sĩ trưởng khoa Sản bệnh viện đa khoa huyện Mù Cang Chải bắt tay ngay vào ca mổ.

Sau hơn 30 phút, ca mổ đã thành công, lúc này người thầy thuốc trẻ mới “định thần” nhưng chưa kịp ngơi nghỉ, Toàn đã lại chuẩn bị cùng đoàn chuẩn bị các công tác cho đêm giao lưu đưa bác sĩ trẻ về vùng cao, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

“Vừa bước xuống xe, ban giám đốc BV đã thông báo có ca chửa ngoài tử cung đã vỡ vừa được chuyển đến cần mổ cấp cứu gấp, yêu cầu mình tham gia ca mổ, khi đó quả thực mình hơi run và hồi hộp.  Thế nhưng khi đã đồng ý tham gia ca mổ, vừa bước vào phòng mổ, tâm trạng lo lắng đã không còn. Mình được bác sĩ trưởng khoa hướng dẫn, phối hợp rất tốt nên càng thêm tự tin hơn”, Toàn chia sẻ sau ca mổ.

Chắc hẳn nhiều người bất ngờ khi biết Toàn đang công tác tại BV Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình nhưng “theo tiếng gọi của tuổi trẻ”, Toàn đã quyết định từ bỏ công việc hiện có, “đầu quân” cho bệnh viện đa khoa Mù Cang Chải - cái tên địa danh mà đã bao lần Toàn ao ước đến để được chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc. Đặc biệt hơn nữa, trong trái tim của người bác sĩ trẻ luôn thôi thúc Toàn phải đóng góp sức trẻ, trí tuệ của mình để chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Toàn cho biết, cậu đã được đi tới những huyện nghèo, tận mắt thấy ở những nơi đây dịch vụ y tế cung cấp cho bà con thấp hơn rất nhiều so với trung bình của cả nước. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, Toàn muốn lên những vùng sâu vùng xa để tự vượt qua chính mình, tự mình vượt qua những khó khăn thử thách, muốn đóng góp kiến thức, sức trẻ cho người dân, muốn được “thử thách”, khám phá những vùng đât mới.

Còn với Cao Thị Hồng Yến, suốt cả chặng đường từ Hà Nội đến Mù Cang Chải tham dự Lễ ra quân đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại địa bàn vùng cao biên giới, hải đảo và các huyện nghèo trong cả nước, cô bác sĩ trẻ đã trải qua không biết bao cảm xúc khi lần đầu được cảm nhận những vòng cua tay áo, người đổ hết sang một bên, đầu đau quay cuồng vì say xe. Thế nhưng khi vượt qua một chặng đường, nhìn những nương chè, ruộng bậc thang đang xanh non màu lá mạ, cảm giác thích thú lại ùa về khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn những bậc ruộng thang Mù Cang Chải nổi tiếng.
Cô gái Hà Nội nhỏ bé Hồng Yến quyết định về công tác miền núi để cống hiến sức trẻ

Cô gái Hà Nội nhỏ bé Hồng Yến quyết định về công tác miền núi để cống hiến sức trẻ
. Ảnh: H.Hải

Hồng Yến hiện đang làm việc tại bệnh viện huyện Đông Anh, nhưng cô gái Hà Nội này vẫn quyết định rời thủ đô để đến với những người dân khó khăn. Hồng Yến được nhận đầu quân về BV đa khoa Mường Khương (Lai Châu) làm bác sĩ.

Yến chia sẻ, suốt từ năm cuối đại học, Yến đã luôn tìm hiểu thông tin về dự án, đã muốn “bay nhảy” đến những vùng đất mới, đem sức trẻ cống hiến, đã bao lần lựa ý bố mẹ nhưng đều bị quyết liệt phản đối. Đáp lại, Yến cứ lặng lẽ học, tốt nghiệp loại khá ĐH Y Hải Phòng, Yến ra làm tại BV huyện Đông Anh, nhưng mỗi ngày một tí, cô thủ thỉ với bố mẹ. “Mưa dầm thấm lâu”, bố mẹ Yến cuối cùng đã gật đầu đồng ý trước quyết tâm của cô con gái. “Con gái rượu của bố mẹ, lại lần đầu tiên mình đi xa vậy, mẹ lo lắm, cả đêm không ngủ, lo soạn đồ đạc cho con gái, sợ con gái say xe, ốm đau. Tuy nhiên khi vừa đặt chân đến Mù Cang Chải, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân với nhiều thiệt thòi, mình càng thấy quyết định của mình là đúng đắn. Hai năm nữa, sau khi hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa I, mình sẽ về Mường Khương công tác. Mình tin, những kiến thức được học hỏi, cộng với sức trẻ, sự nhiệt tình, mình sẽ phục vụ, chăm sóc y tế cho bà con, đồng bào dân tộc hết mình”, Yến chia sẻ. BS trẻ Phạm Mạnh Toàn cho biết, Toàn cũng như 6 bác sĩ được chọn trong đợt gia quân về các bệnh viện ở 5 huyện khó khăn ở vùng Tây Bắc (trong đó có 2 bác sỹ nữ) rất tự hào vì đã được lựa chọn để được cống hiến sức trẻ chăm sóc người dân. 6 hạt nhân đầu tiên này đều mong mỏi sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa những người trẻ như họ tham gia cống hiến sức trẻ cho đồng bào các địa phương còn khó khăn, để người dân nơi đây được tiếp cận những dịch vụ y tế tốt nhất.
14 bác sĩ trẻ tham gia trong lễ ra quân tình nguyện, trong đó có 6 bác sĩ trẻ được 

14 bác sĩ trẻ tham gia trong lễ ra quân tình nguyện, trong đó có 6 bác sĩ trẻ được 
bàn giao, sẽ về công tác tại các huyện miền núi phía Bắc sau khi hoàn thành khóa học
bác sĩ chuyên khoa 1. Ảnh: H.Hải

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu. 

Nhằm giải quyết những bất cập kể trên, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và phê duyệt dự án đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện về phục vụ ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo. Những bác sỹ này được hưởng các quyền lợi như được xét tuyển vào làm việc ở một trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo chuyên khoa I; sau thời gian đào tạo, sẽ được ưu tiên xét cấp chứng chỉ hành nghề; những bác sỹ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về quản lý y tế.

Các bác sỹ trẻ sẽ tham gia tình nguyện có thời gian công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm đối với nữ, tính từ thời gian trực tiếp làm việc tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện.

Hồng Hải