Những kẻ gây hại tàng hình trong nhà bếp

Nhà bếp là một trong những nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của các bà nội trợ.

Các “nội tướng” lưu ý nhiều đến việc thường xuyên lau dọn không gian bếp thật sạch sẽ để vừa đảm bảo vệ sinh, bảo vệ sức khỏe vừa tạo cảm hứng khi nấu các món ăn ngon. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều quên mất rằng vẫn còn đó rất nhiều kẻ gây hại tàng hình, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.

Những kẻ gây hại tàng hình trong nhà bếp - 1

Mối nguy “tàng hình” khó lường:
 
“Tàng hình” ở đây có ý nói đến những vi khuẩn siêu nhỏ mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng có khả năng gây ra những tác hại không lường đối với sức khỏe của từng thành viên trong gia đình. Các vi khuẩn siêu nhỏ này có biệt tài ẩn náu ở nhiều nơi trong nhà bếp để chờ cơ hội xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình chế biến thức ăn.
 
Quá trình này gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau: mua thức ăn, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến, sử dụng. Từ giai đoạn sơ chế, hầu hết việc chuẩn bị bữa ăn đều diễn ra trong nhà bếp. Vi sinh vật có thể ẩn náu ở mọi ngóc ngách từ trong tủ lạnh, mặt bếp, tủ chén, trong những chiếc khăn lau tay lau bếp, trong những miếng xốp rửa chén, trong bồn rửa, trên thớt, trên bề mặt chén dĩa hay xoong chảo, trong các hộp đựng thức ăn để bảo quản hoặc những ngăn gà mèn để mang thức ăn đi đâu đó. Chúng ta có thể thấy vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bất kỳ khâu nào để gây bệnh.
 
Hạn chế tối đa tiếp xúc với siêu vi khuẩn:
 
Nếu chúng ta nói đến điều kiện sống lý tưởng – không có vi khuẩn tồn tại - thì quả là một mơ ước viển vông. Thực tế là mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với vô vàn chủng loại vi khuẩn khác nhau. Dù cơ thể mỗi người đều có khả năng chống chọi với vi khuẩn với một mức độ nhất định tùy thuộc vào thể trạng của từng người; nhưng nếu số lượng vi khuẩn xâm nhập quá nhiều thì khả năng tự vệ của cơ thể sẽ không còn tác dụng. Cho nên, chúng ta bắt buộc phải học phòng tránh tối đa để tự bảo vệ bản thân và gia đình với bước đầu tiên từ bếp nhà để tránh vi khuẩn xâm nhập cơ thể từ đường miệng:
 
1. Sử dụng các loại ly tách, chén dĩa, hộp đựng thức ăn… có bề mặt thật trơn láng (gốm sứ, thủy tinh…), rửa thật kỹ sau mỗi lần ăn để sạch hết thức ăn bám trên bề mặt. Nếu chén dĩa bám nhiều dầu mỡ, rửa sạch chén dĩa bằng nước rửa chén diệt khuẩn, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Tránh thói quen sử dụng khăn lau chén dĩa. Tủ đựng chén dĩa nên là tủ kính trong có thể quan sát được bên trong, lau dọn thường xuyên ít nhất mỗi 2 tuần. Định kỳ tiệt trùng các loại chén dĩa bằng cách luộc sôi hay ngâm trong các dung dịch tẩy trùng chuyên dụng. Những chén dĩa, hộp đựng… bằng nhựa đã bị trầy sướt và có khe hở đều có thể là nơi ẩn náu của vi trùng, nên bỏ đi.
 
2. Giặt thật sạch miếng rửa chén và rửa sạch hộp đựng sau mỗi lần sử dụng. Thay miếng rửa chén thường xuyên. Thường xuyên giặt sạch và thay mới các khăn lau bếp, khăn lau tay...
 
3. Thường xuyên lau dọn sạch bề mặt bếp, vách tường, bồn rửa chén… Nên rửa sạch bồn rửa chén cùng với mỗi lần rửa chén dĩa, và dùng nước sôi hay các dung dịch tiệt khuẩn để làm sạch bồn rửa hàng tuần.
 
4. Sử dụng các hộp bảo quản thức ăn sống và chín riêng biệt. Với các dụng cụ nấu ăn như vá, đũa cả… cũng nên đảm bảo quy tắc này, tránh sử dụng các dụng cụ đã chạm vào thức ăn sống để phân chia thức ăn.

Những kẻ gây hại tàng hình trong nhà bếp - 2

Đừng quên, sau 2 giờ đồng hồ sống trong một mẩu vụn nhỏ xíu thức ăn còn bám lại đâu đó trong nhà bếp, mỗi vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở để có đến 4.000 con cháu, gây nguy hại khôn lường cho gia đình bạn. Chính vì thế, hãy luôn giữ cho bếp nhà luôn sạch sẽ tinh tươm để không còn vi khuẩn tàng hình, tạo không gian sống lành mạnh, giúp con bạn vui khỏe đến trường, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho cả nhà nhé!

Những kẻ gây hại tàng hình trong nhà bếp - 3

 ThS. BS. Đào Thị Yến Phi
Trưởng Bộ Môn Dinh Dưỡng – ATTP
Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch