Những hồi ức kinh hoàng về dịch hô hấp SARS

(Dân trí) - 10 năm trước, một vi rút lạ tấn công đường hô hấp khiến người bệnh tử vong nhanh chóng, tốc độ lây lan chóng mặt khiến cả thế giới kinh hoàng…

Nhiều nhân viên y tế là bệnh nhân và tử vong vì dịch bệnh đó, trong đó, có bác sĩ Carlo Urbani, một chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới tại VN. Ông là người nhận diện được bệnh SARS và cũng đã chết vì nhiễm vi rút này.

Bệnh “lạ” thành đại dịch
 
Ngày 11/4, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam đã tổ chức buổi lễ “Tưởng nhớ bác sỹ Carlo Urbani, 10 năm sau dịch SARS”.

Có mặt tại buổi lễ có nhiều lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam và cũng đã từng là những đồng nghiệp, có mặt những người bệnh đã từng nhiễm vi rút SARS và cả người thân của Carlo Urbani.

Ngày 26/2/2003 có thể coi là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam với bệnh nhân đầu tiên là ông Johnie Chun Cheng đến Bệnh viện Việt-Pháp của Việt Nam với những triệu chứng sốt cao, ho khan và đâu cơ. Trước khi tới Hà Nội, doanh nhân này đã qua Hồng Kông.

Hai ngày sau khi điều trị ca bệnh “lạ” với diễn biến viêm phổi cực nhanh, ho dữ dội, BV Việt – Pháp liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới và bác sĩ Carto Urbani được yêu cầu xem xét trường hợp kỳ lạ này. Nhận thấy ngay lập tức tầm nghiêm trọng và khả năng lây nhiễm cao của căn bệnh, ông đã yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa và theo dõi diễn biến của người bệnh.
 
SARS đe dọa cả thế giới
Carto Urbani là bác sĩ đầu tiên nhận diện được vi rút SARS. Ông cũng bị chính vi rút chết người này tấn công và đã không thể qua khỏi. Ảnh tư liệu.

“Hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại bệnh viện, cùng các bác sĩ, y tá thăm khám cho bệnh nhân đầu tiên và những người bị lây sau đó. Lấy mẫu bệnh phẩm, quan sát, ghi chép các biểu hiện lâm sàng, tư vấn về chống nhiễm trùng, an ủi động viên các y bác sĩ trong bệnh viện”, một đồng nghiệp của ông nhớ lại.

Carto Urbani là một chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và sự nhạy bén của của một thầy thuốc về y tế công cộng đã giúp ông nhận ra đây là một loại dịch bệnh mới, nguy hiểm và dễ lây lan.

Đúng như điều vị bác sĩ này lo ngại, không lâu sau đó, cả thế giới kinh hoàng khi chỉ trong thời gian ngắn dịch SARS đã lây lan ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 8.400 người mắc và 916 người tử vong. Trong số 63 trường hợp mắc SARS tại Việt Nam đã có 37 trường hợp mắc là bác sỹ, y tá, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân SARS. Sự tiến triển nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan đã tạo nên một sự hoang mang lo lắng tột độ của những người dân phải tiếp xúc, sống gần khu vực có người bệnh.

Nhận thấy những bất thường trước chủng vi rút mới và ý thức được sự nguy hiểm của nó, nhưng Carto Urbani vẫn quyết định ở bên người bệnh, dù thời điểm đó, ông là một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, không phải là một bác sĩ công tác tại BV Việt – Pháp, nơi có bệnh nhân SARS đang điều trị.

Tại Việt Nam, vài ngày sau khi có bệnh nhân SARS đầu tiên, đến ngày 4/3 đã có 6 nhân viên y tế có tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân đầu tiên phải nhập viện vì sốt cao. Sau đó 3 ngày, bác sĩ Carlo họp với lãnh đạo Bộ Y tế để cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chín phủ Việt Nam sau đó đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc. Cùng lúc đó, WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu về dịch SARS.

Ngày 11/3, trên chuyến bay tới Bangkok để dự một cuộc hội thảo, bác sĩ Urbani, nhận ra mình có triệu chứng nhiễm bệnh, khi vừa đến nơi, ông đã ngay lập tức yêu cầu các đồng nghiệp đưa mình vào cách ly tại bệnh viện Bangkok. Lúc này, ông đã thu xếp cho ba con từ Việt Nam trở về Ý và ông cảm nhận, chỉ từ một cơn tức ngực thoáng qua sau vài cái ho nhẹ, ông sẽ không bao giờ trở về với các con được nữa. Và sau 18 ngày chống trọi với căn bệnh, Carlo Urbani qua đời trong phòng cách ly tại một bệnh viện ở Bangkok.

“Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”

Chia sẻ những tưởng niệm về cha tại buổi lễ, con trai Carlo Urbani cho rằng: “Mọi người vẫn hay gọi cha tôi là một người anh hùng. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Dù ông biết những nguy cơ có thể đối mặt, nhưng đó là công việc, đó là công việc ông cần phải làm. Bởi cha tôi từng nói: “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”, ông là một bác sĩ và ông đã đến bên người bệnh”.

Có mặt tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Hùng, người đã từng nhiễm SARS và được cứu sống cũng không khỏi bồi hồi: “Đó là một phép lạ. Các bác sỹ, nhân viên y tế tìm mọi cách, bấp chấp tính mạng để cứu chữa bệnh nhân, hy sinh đời sống cá nhân, gia đình. Nếu không có tấm lòng đó, tôi không có cơ hội đứng ở đây. Tôi cùng 4 người trong gia đình đã bị bệnh. Người đầu tiên là tôi với biểu hiện sốt, ho. Mấy ngày sau những người trong gia đình cũng có những triệu chứng tương tự và được điều trị tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia. Bệnh tiến triển ngày càng tồi tệ, ho nhiều hơn, khó thở, lúc rét run, lúc nóng bừng, ho như muốn vỡ tung lồng ngực…Tôi thấy hoảng loạn và lo sợ bởi nhiều bác sỹ đã tử vong vì bệnh. Những lúc ấy, y bác sĩ vẫn luôn ở bên tôi. Đêm tôi ho liên tục, lên cơn ho là bác sỹ đã chạy lại bên mình khi chưa kịp đeo găng tay. Nhưng sau 2 tuần, cơn sốt, ho đã giảm, nồng độ oxy đã ổn định, tôi biết mình đã sống sót, sống sót nhờ sự tận tình chăm lo của các y bác sĩ”.
 
GS Lê Đăng Hà cùng đồng nghiệp đọc phim Xquang của bệnh nhân SARS. Ảnh: BS cung cấp

GS Lê Đăng Hà cùng đồng nghiệp đọc phim Xquang của bệnh nhân SARS. Ảnh: BS cung cấp

GS Lê Đăng Hà, nguyên giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) nhớ lại, khi được giao điều trị bệnh nhân SARS và đã có 5 nhân viên y tế tại BV Việt Pháp chết do nhiễm SARS, bản thân các y bác sĩ tại viện cũng rất hoang mang. “Tôi không ép họ mà chỉ nói, ai không đồng ý thì làm đơn sẽ được chuyển lên điều trị bệnh nhân thường, nhưng cuối cùng, không có đơn nào được gửi đến tôi. Mọi người đều đã ở lại, chung sức “chiến đấu”, GS Hà kể.

Tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh của người bệnh, vừa hôm trước phổi chưa bị tổn thương nhiều, đến hôm sau đã trắng xóa, không thở được, dẫn tới suy hô hấp dần được cải thiện bởi các bác sĩ dùng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập (không mở khí quản, không đặt ống nội khí quản) vì nếu mở khí quản sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, dễ dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, nhưng điều các bác sĩ trăn trở là “tại sao có một số bệnh nhân không hề tiếp xúc với người bệnh mà vẫn mắc bệnh?”.

Cuối cùng, câu trả lời cho điều băn khoăn đã có. Đó là những phòng bệnh trước đây vốn dùng làm nơi điều trị bệnh nhân, dù đã vệ sinh nhưng không thể tiêu diệt được hết nguồn bệnh còn khu trú trong những thiết bị y tế, máy lạnh nên kể cả khi bệnh nhân đã xuất viện thì vi rút vẫn tồn tại. Trong khi đó, máy làm sạch không khí giá vài trăm triệu đồng, tài chính của viện không cho phép.

“Cái khó ló cái khôn”, GS Hà cùng các đồng nghiệp bàn bạc, quyết định không dùng điều hòa nhiệt độ, cho mở hết cửa sổ buồng có bệnh nhân SARS, đóng kín cửa ra vào, dùng các quạt máy mạnh để thông gió, đẩy vi rút ra ngoài trời nắng, tự chúng sẽ bị tiêu diệt.

Cách làm đỡ tốn kém mà lại hiệu quả. Bệnh nhân dần khỏi bệnh, không một nhân viên y tế nào bị lây nhiễm bệnh và sau 45 ngày, dịch bị khoanh vùng, chặn đứng và bị tiêu diệt, không có bệnh nhân nào bị tử vong, dịch không lây lan ra cộng đồng. Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Tú Anh