Những "hoàn cảnh" khiến bạn ăn nhiều

(Dân trí) - Có bốn yếu tố chính – ngoài lượng thức ăn trên đĩa - ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn. Một khi lưu tâm nhiều hơn đến ảnh hưởng của những yếu tố này đến sự ngon miệng, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để xây dựng một môi trường phù hợp nhất với phong cách ăn uống và cân nặng của mình.

Những "hoàn cảnh" khiến bạn ăn nhiều - 1

1. Đĩa lớn (và suất ăn lớn) khiến bạn ăn nhiều hơn

Có câu rằng chúng ta thường ăn bằng mắt đầu tiên, và trong trường hợp này, mắt cũng có thể xác định lượng thức ăn mà ta ăn được.

Những người ăn đồ ăn được dọn trên đĩa lớn hơn, hoặc được phục vụ suất ăn lớn hơn, thường ăn nhiều hơn bình thường.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge đã tổng kết 60 nghiên cứu và xác nhận hiệu ứng này, và kết quả gợi ý một giải pháp thú vị để giải quyết vấn đề: phục vụ món ăn trên đĩa nhỏ hơn.

Phù hợp với gợi ý này, chuyên gia dinh dưỡng Lisa Young đề nghị dọn món sa lát và các loại rau trên đĩa lớn hơn để khuyến khích mọi người ăn nhiều hơn những thực phẩm tốt, đồng thời dọn các món chính trên đĩa nhỏ hơn.

Còn nhà nghiên cứu Brian Wansink của Phòng thí nghiệm Thực phẩm và Thương hiệu, Đại học Cornell lại gợi ý để nguyên món chính và tinh bột trong bếp khi ăn, để buộc thực khách phải đứng dậy và đi lấy nếu họ muốn lấy thêm món đó lần thứ hai và thứ ba. Phục vụ bữa ăn gia đình theo cách này có lẽ không được ấm cúng cho lắm, Wansink nói, nhưng nó sẽ làm giảm cỡ suất ăn.

Những "hoàn cảnh" khiến bạn ăn nhiều - 2

2. Độ cao làm giảm khả năng nếm thức ăn của lưỡi

Bạn không thể bữa nào cũng ăn trên máy bay, nhưng biết về ảnh hưởng của độ cao ảnh hưởng đến vị giác có thể giúp bạn có những lựa chọn lành mạnh hơn khi bay.

Một nghiên cứu năm 2010 được ủy quyền bởi hãng hàng không Đức Lufthansa thấy rằng việc ngồi trong máy bay về cơ bản khiến các nụ vị giác bị “tê liệt” do cản trở kết nối rất quan trọng giữa mùi và vị - là điều giúp chúng ta trải nghiệm đồ ăn một cách đầy đủ.

Về cơ bản, không khí khô và bị nén tạo nên tình trạng giống như bị cảm lạnh do khiến niêm mạc sưng lên, ngăn chặn sự liên hệ giữa miệng và mũi. Sau đó, các lớp niêm mạc của khoang mũi bị khô, khiến bạn không ngửi được đầy đủ mùi của thức ăn. Tất cả dẫn đến giảm khoảng 20 - 30% cảm nhận vị mặn, và 15 - 20% cảm nhận vị ngọt.

Để tránh một bữa ăn đáng thất vọng trên máy bay - hoặc tệ hơn, một bữa ăn trên máy bay thừa đường và muối - hãy cố gắng lên kế hoạch ăn uống cả trước và sau chuyến bay. Và nếu chuyến đi quá dài, hãy đóng gói mang theo bữa ăn lành mạnh của chính mình với những đồ ăn tươi mà bạn thích.

Những "hoàn cảnh" khiến bạn ăn nhiều - 3

3. Nhạc to khiến bạn ăn nhanh hơn

Nghiên cứu từ giữa những năm 1980 cho thấy nhạc càng to thì thực khách nhai thức ăn càng nhanh, và các nhà hàng thường sử dụng “chiêu” này nếu muốn tăng số lượt khách ăn, theo một bài báo năm 2010 từ Daily Beast.

Điều này cũng đúng với rượu. Một nghiên cứu năm 2008 cho thấy khi các quán ba bật nhạc to (các bài hát đều trong Top 40), khách hàng sẽ uống bia nhanh hơn và nhiều hơn. Nhạc to cũng có vẻ khiến rượu có vị ngọt hơn (và do đó, có thể khiến mọi người uống rượu nhiều hơn), theo một nghiên cứu năm 2011.

Không có gì lạ khi sự im lặng hoàn toàn giúp người ăn ít hơn là nếu họ bị phân tâm do âm nhạc hoặc ti vi.

Âm thanh chỉ là một trong nhiều dấu hiệu vật lý mà chúng ta sử dụng để xác định đã no hay chưa, và thói quen vừa ăn vừa xem ti vi có thể khiến điều này bị cản trở. Một nghiên cứu năm 2016 thấy rằng âm thanh khi nhai thức ăn góp phần tạo ra cảm giác no, và rằng những người bị phân tâm bởi âm thanh từ tai nghe thường ăn nhiều hơn những người ăn trong im lặng.

Và nếu bạn muốn ăn ít hơn trong một khung cảnh thoải mái hơn, thì nhạc nhẹ là một cách tốt. Các chuyên gia thấy rằng nếu quán ăn nhanh thay đổi thể loại nhạc và âm lượng, thì thực khách sẽ ăn ít hơn và thưởng thức được món ăn nhiều hơn.

Những "hoàn cảnh" khiến bạn ăn nhiều - 4

4. Ăn với cả nhóm làm bạn ăn nhiều hơn bình thường

Càng ăn cùng với nhiều người, chúng ta sẽ ăn càng nhiều. Trong một nghiên cứu năm 2000, John M. de Castro thuộc Đại học bang Georgia lưu ý rằng "bữa ăn cùng với một người khác sẽ nhiều hơn 33% so với bữa ăn một mình, tỷ lệ tăng này lần lượt là 47, 58, 69, 70, 72 và 96% tương ứng với việc ăn cùng hai, ba, bốn, năm, sáu, và bảy hoặc nhiều người hơn ".

Đó có thể là vì mọi người thường cố gắng cố gắng hòa hợp với người khác trong từng miếng ăn. Như một nghiên cứu năm 2012 thấy rằng trong 70 cặp phụ nữ, các đối tượng có xu hướng bắt chước phong cách ăn uống và số miếng ăn của nhau, đặc biệt là vào đầu bữa ăn. Bởi vì những phụ nữ này không quen biết nhau, nên các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng có lẽ họ đã cố tạo ấn tượng tốt đẹp ngay lúc ban đầu.

Nhưng hiệu ứng “ăn theo đám đông” này cũng phụ thuộc vào kiểu người mà bạn ăn cùng. Năm 1994 De Castro thấy rằng hiệu ứng “ăn theo đám đông” phụ thuộc vào mối quan hệ tại bàn ăn. Các bữa ăn cùng vợ/chồng thường lớn hơn và nhanh hơn. Các bữa ăn cùng với bạn bè cũng lớn hơn, nhưng kéo dài hơn.

Vậy phải chăng mọi người nên ăn một mình trong im lặng? Điều này rất khó. Ăn tối với gia đình và ăn cùng những người khác là điểm nổi bật của một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.

Nhưng bây giờ khi đã nhận thức được rằng các khía cạnh xã hội của bữa ăn có ảnh hưởng thế nào đến sự thèm ăn, bạn sẽ để ý hơn trong khi ăn uống với bạn bè hoặc với nhiều người, hoặc thậm chí chủ động hơn. Ví dụ, nếu gặp gỡ bạn bè và gia đình tại một nhà hàng, thì hãy ngay lập tức sẻ bớt một nửa hoặc một phần ba đồ ăn trong đĩa để tránh ăn quá nhiều.

Cẩm Tú

Theo Huffingtonpost