Những giọt máu nghĩa tình

(Dân trí) - Nhìn người phụ nữ đang vật lộn với tử thần, mọi người đều ái ngại. Theo chẩn đoán, chị bị băng huyết sau khi sinh, muốn cứu phải cần một lượng máu lớn để thay thế nhưng lúc này quá khuya... Các nhân viên y tế thấy vậy đã tự nguyện hiến tặng.

Lành bệnh nhờ “nguồn máu sống”

Chị Lê Thị Thắm, 35 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được đưa đến Bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh, Quảng Trị, trong tình trạng mạch và huyết áp bằng O. Theo chẩn đoán, chị bị băng huyết sau khi sinh do đờ tử cung (không co bóp). Trước bệnh tình của bệnh nhân càng lúc càng nguy kịch, Lãnh đạo của Bệnh viện đã chỉ định chuyển mổ cắt tử cung và cấp cứu truyền máu. Nhưng cái khó nhất là tìm nguồn máu ở đâu giữa đêm khuya. Hai người nhà của bệnh nhân có cùng một nhóm máu với chị lại không đủ để cho chị bù lại lượng máu đã mất.

Những giọt máu nghĩa tình - 1

Để chữa trị bệnh nhân nhiều nhân viên y tế cũng tham gia hiến máu cứu người

Trước sự sống và cái chết, tình cảm giữa con người với con người lại trỗi dậy và nhân lên, nhất là những người thầy thuốc đang chứng kiến những giây phút nguy kịch nhất của người bệnh. Vậy là không ngần ngại, chị Phùng Thị Thuý, Nguyễn Thị Hằng, anh Ngô Thế Thọ và chị Nguyễn Thị Huế đang làm việc tại bệnh viện, đã hiến máu cứu bệnh nhân.

Không chỉ có riêng trường hợp chị Thắm, đã có rất nhiều người được cứu sống tại đây nhờ tấm lòng của các nhân viên y tế như thế. Trong bức thư đề ngày 15/02/2011, của ông Võ Văn Hoà, ở thị trấn Hồ Xá, có đoạn: “Xin cảm ơn tấm lòng cao cả của toàn thể y bác sĩ và anh chị em phục vụ khoa sản đã cho con tôi sống lại. Các anh, các chị đã sinh ra nó lần thứ hai”... Ông Võ Văn Hoà là bố đẻ của bệnh nhân Võ Thị Hảo bị băng huyết sau đẻ non được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh vào lúc 3h sáng 20/01/2011.

Chị Hảo đã được cứu sống nhờ có nguồn máu hỗ trợ kịp thời của chị Võ Thị Hằng, phòng kế hoạch và chị  Trần Thị Kim Oanh, khoa nội thuộc bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh. Đó chỉ là hai trong số hàng chục bệnh nhân được đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh dành lại sự sống bằng chính những giọt máu của mình.

Xuất phát từ trách nhiệm với bệnh nhân

Ông Nguyễn Hữu Lương, Giám đốc bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh cho biết: “Mỗi năm bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh cần hàng trăm đơn vị máu để cấp cứu và điều trị, nguồn máu dự trữ cũng như huy động tại chổ gặp rất nhiều khó khăn”.

Những giọt máu nghĩa tình - 2

Nguồn máu được hiến tặng hiện nay vẫn chưa đủ cho việc cứu người

Trong những năm gần đây, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương làm tốt công tác hiến máu nhân đạo. Lượng máu huy động được đều bảo quản ở ngân hàng máu, thuộc Trung tâm huyết học và Truyền máu miền Trung, nhưng do bệnh viện ở xa Trung tâm nên khi cần nguồn máu để cấp cứu lại rất khó khăn.

Hiện nay, bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh đang áp dụng kỹ thuật “truyền máu hoàn hồi” hoặc truyền máu tự thân cho khoảng 20 ca bệnh cấp cứu. Tuy nhiên, đề tài này chỉ áp dụng được với những trường hợp chảy máu ổ bụng do vỡ gan, lách, có khả năng để xử lý làm sạch sau đó sử dụng truyền lại trực tiếp cho người bệnh. 

Bệnh viện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để xin nguồn hỗ trợ nhưng lại phải cần nhiều thời gian. Có nhiều ca bệnh hiểm nghèo, các y, bác sĩ phải tình nguyện hiến máu để duy trì sự sống cho bệnh nhân sau đó tìm nguồn hỗ trợ khác.

“Đó là chưa kể những lúc nguồn máu tại chỗ không cùng nhóm máu với người bệnh, lãnh đạo bệnh viện phải vận động cán bộ y tế có cùng nhóm máu kịp thời đến bệnh viện để hỗ trợ cấp cứu sau đó tìm nguồn bổ sung”, ông Lương cho biết.

Không cần đến công tác tuyên truyền, vận động, vì chính họ là những người chứng kiến và hiểu rất rỏ tình trạng của bệnh nhân nên sẳn sàng hiến máu. Nhiều y bác sĩ mỗi năm tình nguyện hiến máu 2 đến 3 lần như kỹ thuật viên Nguyễn Minh Thắng, khoa xét nghiệm, bác sĩ Trần Cảnh Toàn, khoa ngoại, kỹ thuật viên Ngô Thế Thọ, khoa X-quang...

Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Lương, việc sử dụng nguồn máu tại chổ của y bác sĩ là việc làm bất đắc dĩ, bởi đa số những người cho máu đang trong ca trực, sau khi cho máu cần được nghỉ ngơi, bồi dưỡng nên phần nào ảnh hưởng đến thời gian công tác.

Thế nhưng, khi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu cho công tác truyền máu cấp cứu thì những người thầy thuốc ở bệnh viên đa khoa Vĩnh Linh xem việc hiến máu là trách nhiệm  và sự cần thiết phải hy sinh để cứu người bệnh.

                                                                                       Phương Mai - Hoài Lương